Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Ý THỨC, THẾ GIỚI VÀ THỰC TẠI -CÕI Ý


4- Ý THỨC, THẾ GIỚI VÀ THỰC TẠI


   Như ta thấy, tiến trình và kết quả nhận thức trở nên trừu tượng so với thực tại nếu ý thức giới hạn ở một ý niệm. Trên phương diện khác, khởi điểm và đối tượng ý thức hướng đến luôn là giới hạn, do vậy, không thể đồng nhất kết quả nó đạt được là chân lý, thực tại. Để quan sát, ngôi nhà ta cần và luôn ở vị trí nhất định. Sau nữa, ngôi nhà là toàn thể, tuy nhiên ta chỉ thể quan sát từng phần, từ thị giác đến ý niệm  về nó trong nhận thức. Ngoài những điều ấy, xác định rằng ý thức là sự kiện thực. Không có phủ nhận tiến trình và kết quả ý thức trên ý nghĩa hiện tượng. Trong thực tế, điều con người thường làm là phủ nhận các ý niệm qua ngôn ngữ trong tranh luận, qua vật thể trong chiến tranh như bạo lực. Điều này khác biệt sự phủ nhận chính tiến trình ý thức, nhưng đó là điều không thể. Khả năng xảy ra trong cùng thời điểm, ta có thể quan sát ngôi nhà từ vị trí khác, đi đến những nhận thức độc lập với kết quả ban đầu. Ví dụ rằng, kết quả quan sát ngôi nhà là mảng tường với trường hợp này, ngôi nhà là mái ngói với trường hợp kia, độc lập lẫn nhau. Phủ nhận từ kết quả này đến kết quả kia chỉ là phủ nhận ý niệm. Nó nằm ngoài ý thức đang có ý niệm đó. Giả thiết và cũng là thực tế thêm rằng, ngoài nhận thức thụ động, ý thức có thể thay đổi sự vật, hiện tượng thông qua hành vi trong tiến trình quan sát. Khi ấy, cũng không thể phủ nhận toàn thể tiến trình. Ta có thể đặt lọ hoa về vị trí cũ theo ý thích, song không thể bỏ qua việc nó đã bị xê dịch bởi hành vi của người quan sát trước. Với cái nhìn trên, cùng ghi nhận ý thức và thực tại là phát sinh mọi hiện tượng, ta không thể phủ nhận các thế giới như tiến trình thành lập của nó. Thực tế rằng, các phủ nhận chỉ có tính chất lý thuyết của nó, vốn là sự kiện thực. Ta có thể viết ra cuốn sách khác bác bỏ các quan niệm trong cuốn sách nào đó nhưng không là bác bỏ chính tiến trình nhận thức ở đầu óc tác giả. Tiến trình ấy đã xảy ra trong sự kiện suy nghĩ,cuốn sách chỉ là biểu hiện hiện tượng của nó. Phủ nhận như quan niệm thông thường là hiện tượng khác thuộc về tiến trình khác, chẳng hạn việc đốt sách. Giả dụ thêm rằng, cuốn sách là một lý thuyết cách mạng. Nhà cầm quyền có thể phủ nhận tiến trình thực tế là hành động cách mạng tương ứng bằng bạo lực. Tuy nhiên, đó là hiện tượng khác và có sau ý thức là tác giả lý thuyết cách mạng.
   Như vậy, việc không thể phủ nhận các ý thức với tiến trình, kết quả, biểu hiện thực tế của nó dẫn đến điều không thể có hình ảnh chung về thế giới. Trong hình dung ta nhận được vô số thế giới nhưng không đạt đến nó trên thực tại. Lại nữa, không thể đặt phép cộng, hoặc trừ trước các thế giới  này để đưa ra hình ảnh tổng quát và duy nhất. Cái gọi thế giới duy nhất chỉ là sản phẩm của thói quen nhận thức bị ràng buộc trong ý niệm duy nhất của nó. Có thể quyết định, ý niệm này cũng như nhiều ý niệm khác chỉ cho năng lực nhận thức, thao tác và những giới hạn của nó. Đưa đến kết luận sau cùng, tìm ra một hình ảnh thống nhất, hoặc cố định là việc làm vô nghĩa và không thể.
  Với căn tảng là ý niệm trật tự, xác định, ý thức sẽ nhận ra sự hỗn độn, bất định của thực tại. Nếu như ý thức ghi nhận thế giới như tấm ảnh, ta thấy rằng không có sự trật tự, hoặc hỗn độn nào trên đó. Tính trật tự, hoặc hỗn độn xảy ra ngay khi sau đó, ý thức đưa ra một phác họa kế tiếp về đối tượng. Khi tấm ảnh thực tế tiếp theo, đồng nhất với hình dung, ý thức xem rằng thực tại là trật tự. Ngược lại, một khi tấm ảnh thực tế khác đi, ý thức quyết định rằng thực tại là hỗn độn bất định. Tương tự cho các xác định của ý thức về thực tại: sự sinh ra, tiêu hủy, gián đoạn và liên tục… Phân biệt hiện tượng con gà và quả trứng dẫn đến điều quả trứng sinh ra con gà hay điều ngược lại. Ý niệm sự sinh mất đi khi ý thức tri nhận thực tại là duy nhất. Cái gọi ”con gà”, “quả trứng”, “sự sinh ra” chỉ là ý niệm của nhận thức trước hoặc sau thực tại, nó đã hoàn toàn trừu tượng. Vòng tròn nhân quả này là một giả đề của ý thức. Một khi sự xác thực con gà là tức khắc, trong nó không còn bất  kỳ ý niệm trước nào đó: quả trứng ngày thứ ba mươi, quả trứng ngày thứ nhất…
  Xét từ cơ cấu nhận thức, sự bất đồng giữa thực tại và ý thức là điều không thể vượt qua. Chính từ sự bất đồng này khai sinh mọi lý thuyết, thực tiễn trong thế giới. Ta hình dung một quan sát đặt ngay, tức đồng nhất với mặt phẳng lý tưởng nào đó. Quan sát này nhận ra mặt phẳng là vô hạn. Nó không thể ghi nhận bất kỳ dấu vết trên mặt phẳng. Nó chỉ thể xem xét những hiện tượng trên mặt phẳng khi có sự tách rời theo chiều cao hoặc sâu. Hiển nhiên theo độ cao, hoặc sâu, nó sẽ có các giới hạn tương ứng.
   So sánh mặt phẳng như thực tại, quan sát là sự kiện ý thức. Một khi ý thức đồng nhất với thực tại, ta nhận ra sự chấm dứt của một thế giới. Ở đó là tình trạng đồng nhất tuyệt đối, không có nhận thức, khoa học, hình ảnh bất kỳ về thế  giới thực tại. Với sự kiện ý thức, tình trạng đồng nhất bị phá vỡ. Quan sát đang cách ly thực tại theo độ cao nào đó. Khoảng cách này là thời gian theo nhận thức thông thường. Như vậy, với thời gian càng lớn bề mặt thực tại càng được mở rộng, tuy nhiên sự xác thực ngày càng giảm đi. Ngược lại, ở thời gian nhỏ bề mặt thực tại thu hẹp lại. Ta hình dung một cái hình nón. Đỉnh nón biểu thị ý thức. Mặt phẳng đáy biểu thị thực tại. Đáy nón là những hiện tượng mà ý thức đã ghi nhận trên thực tại, tức là cái đã biết đối với nó. Góc ở đỉnh đặc trưng cho khả năng nhận thức của từng trường hợp cụ thể, là cá nhân như ý thức thường xác định. Tồn tại nhiều ý thức khác nhau dẫn đến điều trên mặt phẳng thực tại có nhiều hình nón như thế. Chúng ở trong nhau, ngoài nhau, với những cao độ khác nhau. Theo tiến trình nhận thức từ cái đã biết đến cái chưa biết ta nhận ra sự nâng cao của những hình nón này. Cùng với đó, sự lãng quên trí nhớ làm nó hạ thấp xuống. Một khi hiện tượng ý thức chấm dứt, hình nón ấy đồng nhất với mặt phẳng thực tại. Cái gọi sự chết cá nhân là trường hợp này. Ta lại nhận ra, theo việc mở rộng cái đã biết cùng sự lãng quên trí nhớ, thực tế không có một hình nón cố định. Nó di động theo cả hai chiều và có thể trở thành một điểm trên mặt phẳng thực tại. Tương ứng là khả năng ý thức cá nhân nào đó.
   Ta xem xét một hiện tượng cụ thể theo mô hình này. Ví dụ thực tại quả cam trong quan sát giả định. Ngay khi sự việc nhận thức, thực tại đồng nhất đã trở thành hiện tượng quả cam trong quan sát. Một phút sau sự kiện, nó được xác định màu vàng, hình cầu. Rõ ràng là những ý niệm màu vàng, hình cầu đang nằm trong ý thức người quan sát. Hiện tượng mở rộng theo việc xác định: sự lột vỏ ghi nhận các múi, các hạt. Đáy hình nón  mở rộng dần. Tương ứng thế ý thức càng lùi xa thực tại ở sự kiện ban đầu. Cho rằng năm phút sau sự kiện đầu tiên là việc xác định các hạt. Giả thiết quan sát cùng kính hiển vi và các phân tích hóa học kèm theo. Theo một chiều hướng, các loại đường, a-xít, nhiễm sắc thể được xác định. Theo chiều hướng khác, hạt giống được gieo xuống, nảy mầm, phát triển nên một cây cam nào đó. Giả thiết và như thực tế ba năm sau người quan sát nhận được những trái cam khác.
   Sau những sơ lược, nhận xét rằng các hạt, a xít, nhiễm sắc thể là có ở chính thực tại quả cam. Thời gian năm phút sau sự kiện ban đầu nảy sinh do giới hạn nhận thức. Người quan sát cần những điều kiện khác để xác định các hiện tượng có sẵn trong thực tại. Tương tự, có thể phân ly nước qua phản ứng hóa học để xác định thành phần hyđrô, ôxy trong nó. Không thể xem các nguyên tố này xuất hiện từ phi thực tại hoặc từ thực tại nào khác. Những quả cam sau ba năm là sự khai mở, và cũng là giới hạn ý thức trước thực tại. Hiện tượng một quả cam trong xác định đầu tiên, những quả cam ở ba năm sau chỉ ra hai giới hạn khác nhau của nhận thức trong một tiến trình. Tương tự như ta có thể bổ quả cam bằng dao để xác định số hạt “bên trong”, hoặc xác định tức thời bằng các tia vật lý.
   Ta vừa nhận được hình ảnh về một thế giới theo một quan sát. Theo mô hình, đó là một hình nón có chiều cao ba năm. Đáy nón là toàn thể hiện tượng đã quan sát: những trái cam khác. Chú ý rằng đây là hình nón tĩnh tại, tương đương người quan sát nhớ lại toàn bộ quá trình.Thực tế sự kiện là những hình nón di động, có thể lớn lên hoặc thu hẹp tùy vào ý thức quan sát. Giới hạn nhỏ nhất là một điểm trên thực tại tương ứng người quan sát không còn nhớ gì sự kiện. Giới hạn lớn nhất của mở rộng là hình nón ta đã mô tả trên. Hiển nhiên về phía tương lai, hình nón có thể mở rộng theo mọi trường hợp. Những quả cam vào mùa khác, cây cam sau ba năm bị đốn gốc, những cây cam mới được trồng.
  Để soi sáng thêm hiện tượng, ta đưa vào một quan sát khác ở thời điểm quả cam bị bổ ra. Như vậy, hạt cam trong quan sát này là không có nguồn gốc. Vẫn hạt cam ấy, trong quan sát thứ nhất có nguồn gốc năm phút. Ở đây quan sát thứ nhất có thể tường thuật quá trình, tức cung cấp nguồn gốc cho quan sát thứ hai. Tuy nhiên điều ấy là những mô tả lý thuyết về hiện tượng, không thể thay thế chính quá trình đã xảy ra. Tiếp nhận của người thứ hai chỉ là việc mở rộng các ý niệm theo cung cấp từ bên ngoài. Tương tự trong điều ngược lại, khi quan sát thứ hai phủ nhận nguồn gốc hạt cam trong quan sát thứ nhất. Đó là sự phủ nhận lý thuyết, không thể  bác bỏ hoặc thay thế tiến trình nhận thức đã xảy ra ở quan sát thứ nhất. Trên phương diện nhận thức đó là giới hạn  ý thức về thực tại. Nó như việc ở ngay thời điểm đó người quan sát không thể tri nhận bên trong hạt cam có những gì?
  Để bớt phức tạp việc theo dõi, giả định tiến trình ý thức và hiện tượng trong quan sát thứ hai giống như trường hợp đầu. Hạt giống được gieo xuống, ba năm sau cây cam trổ hoa và kết quả. Như vậy, thực tế tiến trình bắt đầu từ sự kiện quan sát thứ hai ghi nhận hạt cam giống. Tiến trình này cũng như tiến trình trước đó quy định bởi ý thức và hành vi thực tiễn. Ngoài ý thức đó không còn tồn tại bất kỳ tiến trình nào khác, theo nghĩa chưa hoặc không xảy ra. Cũng nghĩa rằng, nếu như tồn tại nhiều khả năng ý thức ở cùng hiện tượng, có thể xảy ra những tiến trình khác độc lập với hai tiến trình vừa nêu. Chú ý rằng, sự kiện đầu tiên của quan sát thứ nhất là quả cam. Sự kiện đầu tiên của trường hợp sau là xác định hạt giống. Hai sự kiện này là độc lập, theo nghĩa được xác định bởi hai ý thức khác nhau. Ngộ nhận xảy ra, tiến trình thứ hai là có sau, xuất phát từ sự kiện trước. Đây đã là xác định của ý thức thứ nhất, quan sát của nó chứa đựng tiến trình thứ hai, nhưng không đồng nhất với chính tiến trình. Tương tự rằng, người lớn tuổi có thể ghi nhận cuộc đời người nhỏ tuổi thua mình, nhưng anh ta không thể sống chính cuộc đời ấy. Và cũng là, không thể lấy quan sát của anh ta về những sự kiện sinh ra, trưởng thành… để đồng nhất bản thân người đang sống.
  Ta xem xét mặt bằng thực tại ở thời gian ba năm năm phút: những cây cam đã ra trái. Theo từng quan sát, những cây cam có quá trình khác nhau. Nếu như so sánh, theo thói quen nhu cầu về một xác định chung sự khác nhau của hai quá trình là năm phút chênh lệch. Như qua diễn giải so sánh này là vô nghĩa.Mở rộng hơn, ta không thể xác định một lịch sử chung cho thế giới, là đời sống con người hay vũ trụ.
   Trên thông lệ, xác định chung ấy lấy sự kiện nào đó thuộc về một trong nhiều thế giới làm gốc. Từ ấy, mô tả thế giới còn lại theo thế giới có sự kiện gốc. Xác định chung ấy là một, hoặc hệ thống hình ảnh về thế giới. Không thể xem nó như các thế giới với tiến trình thực tế của chúng.
  Theo thực tế nhận thức, con người có thể trao đổi những ý tưởng bên trong qua ngôn ngữ, ký hiệu. Chẳng hạn Platon trao đổi tồn tại thế giới ý niệm, theo ông, đến Arixtốt. Tiến trình nhận thức của thầy Arixtốt không thể đạt, nhưng kết quả đã được tiếp nhận. Sự kiện này khởi đầu một tiến trình nhận thức khác: quan niệm tồn tại thế giới vật chất theo Arixtốt. Tính bất xác giữa ý tưởng và ý niệm diễn dịch, giữa ý tưởng và ngôn từ biểu đạt dẫn đến điều những tiến trình nhận thức  khác biệt có thể nảy sinh trên một số ý niệm  căn tảng  chung nhau. Tức rằng, có những đệ tử Platon sẽ nhận thức khác thầy, kể cả khác Arixtốt. Tương tự là cũng trước  những hạt cam người quan sát  này tiến hành gieo, quan sát khác nghiền ra tìm hiểu cấu tạo bên trong. Không loại trừ sẽ có những ý tưởng và hành vi thực tế giống nhau: những hạt cam cùng được gieo xuống.
  Trường hợp có những tiến trình nhận thức giống nhau, thường dẫn đến xác tín rằng bản chất thế giới là thế. Khẳng định hạt giống gieo xuống nảy mầm, phát triển thành cây, cây ra trái nằm vào trường hợp này. Quan sát giống nhau hiện tượng mặt trời quay từ Đông sang Tây dẫn đến khẳng định: trái đất là trung tâm, sự quay của mặt trời. Điều này như ta biết chỉ là miêu tả hiện tượng. Khoa học đã chỉ ra những cái nhìn khác…
  Có nhận xét rằng, trên phương diện khoa học, nhận thức số đông không giữ một vai trò quan trọng gì. Sự kiện mới được khai phá được xem như một phát minh. Ngược lại, trong đời sống xã hội, quan điểm số đông trở nên quyết định. Điều này biểu thị một khía cạnh máy móc khác trong nhận thức?
  Trường hợp những tiến trình nhận thức khác nhau nảy sinh trên một số ý niệm chung có phức tạp hơn. Ở đây bất kể những khác biệt, ý thức tìm ra sự giống nhau nào đó. Từ ấy, nó đưa ra một hình ảnh xấp xỉ các hiện tượng được xem như bản chất theo quan niệm của nó. Ý thức bỏ qua năm phút của quan sát đầu tiên để kết luận hạt giống sau khi gieo ba năm sẽ kết quả. Mở rộng với người quan sát thứ ba, ba năm sáu tháng  sau đó hạt giống được gieo cho kết quả. Thống kê các trường hợp, ý thức đưa ra hình ảnh xấp xỉ rằng chu trình cây cam là ba đến bốn năm. Theo quan niệm của nó đây là tiến bộ của nhận thức về bản chất thế giới. Khẳng định cố định gắn với cá thể được thay bằng những mô tả thống kê cho nhiều đối tượng. Đời sống kinh tế quyết định chế độ chính trị. Khoa học kỹ thuật chi phối nền luân lý… Nhận xét ngắn rằng không thể xem tính chất thống kê của nhận thức như một bản chất thống kê nào đó của thế giới  thực tại. Tính thống kê chỉ cho phép nhận thức không vượt quá một số giới hạn từ nó. Ví dụ rằng, khẳng định hạt giống một tháng sau khi gieo không thể có kết quả. Trên phương diện khác, tính xác định của thống kê là giới hạn theo các đối tượng cơ bản trong nó. Chu trình cây cam chỉ đúng khi các hiện tượng động đất, thiên tai không xảy ra. Ta chú ý, những hiện tượng vừa nêu không nằm ngoài mặt phẳng thực tại. Theo nghĩa ấy, tức việc mở rộng đối tượng, hình ảnh thống kê về toàn thể trở nên vô nghĩa. Xác định là  duy nhất khi chỉ có một cây kim trên mặt bàn, tương ứng một mô tả về hiện tượng. Khi số kim tăng lên, để xác định một cây kim trong tương quan toàn thể số mô tả tăng lên. Tuy nhiên, hình dung của ý thức về nó sẽ giảm đi. Khi số kim là vô cùng, nhận thức qua mô tả đã hoàn toàn bất xác trước hiện tượng.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét