Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

XÃ HỘI- CÕI Ý

6- XÃ HỘI

   Sự chấm dứt của một ý niệm không thể là sự diễn dịch nó qua những ý niệm khác, hoặc xây dựng hệ thống ý niệm để thay thế ý niệm ban đầu. Cũng như các ý niệm khác, ý niệm xã hội chỉ chấm dứt khi ý thức trực tuyến thực tại. Ngay thời điểm này ý thức nhận ra sự phát sinh và duy trì hiện tượng xã hội là từ nó. Cái gọi tồn tại, quan hệ xã hội không bao giờ là những thực thể nằm ngoài  ý thức, để từ đó điều phối suy nghĩ, hành vi thực tế của cá nhân. Ví dụ, một hiện tượng xã hội là mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ. Ta nhận ra từ thực tại, cái gọi chủ nô và nô lệ chỉ là hai ý niệm nằm trong hai ý thức. Nếu dừng lại ở đó, hiện tượng chỉ là hai ý niệm rời rạc. Trên thực tế, ý niệm chủ nô được liên kết với những ý niệm khác, về nguồn gốc, tài sản, quyền lực đối với nô lệ. Tương tự vậy, ý niệm nô lệ liên kết với các ý niệm không tài sản, làm việc không công, bị cưỡng bức…Ý niệm đầu tiên “chủ nô”, “nô lệ”, có được củng cố qua những liên hệ này, tuy nhiên trước và sau nó chỉ là kết quả nằm trong hai ý thức. Ta không thể quy đồng hoặc tìm ra bản chất thực thể chủ nô, nô lệ nào đó trong hiện tượng. Thực tế tiến trình là các nhận thức thừa nhận mâu thuẫn, lý giải nó qua nguồn gốc, đặc điểm xã hội, hoàn cảnh lịch sử, đi đến giải quyết bằng bạo lực, cách mạng. Thực chất tiến trình là sự ngộ nhận của ý thức diễn tiến trong thế giới hiện tượng.Sự giải quyết mâu thuẫn, chấm dứt nó chỉ xảy ra khi các ý thức ở đó nhận ra thực tại, tương ứng với tình trạng vô niệm của ý thức. Hiện tượng xã hội chỉ chấm dứt với sự kiện, phía sau đó là những thế giới mới được thành lập. Tuy nhiên, lịch sử không đi trên con đường này.
   Trở lại vấn đề, hiện tượng xã hội chấm dứt khi sự Thấy xảy ra. Điều này không đồng nghĩa trước hoặc sau sự kiện ý thức nhận ra cơ cấu hiện tượng. Cũng tức rằng, nó có thể rơi vào các ý niệm mới trong những tiến trình nhận thức thường thấy: các mục đích cá nhân, đường lối giáo dục, học thuyết xã hội. Trên nhìn nhận, có thể  ý thức đã chấm dứt hiện tượng xã hội, tuy nhiên trong thực tế nó tạo ra những vấn  đề mới cho hiện tượng. Phủ nhận thế gian ở cá nhân là một thực tế ý thức, song nó sẽ rơi vào lý thuyết, ảo tưởng khi từ ấy quy về chủ thuyết nhằm phổ biến kinh nghiệm. Như vậy, thông đạt các ý niệm tạo nên một vấn đề xã hội như sự kiện, môi trường cơ cấu là cần thiết cho những trường hợp cụ thể nào đó. Ta sẽ trình bày những hiện tượng xã hội theo nguyên cớ này.
  Khởi điểm hiện tượng là có một ý thức từ cá nhân hướng về những cá nhân khác ở ngoài nó. Những cá nhân bên ngoài này sau khi trừu tượng và định danh chính là gia đình, tổ nhóm, dân tộc, tầng lớp, giai cấp… Cái gọi xã hội không nhất thiết tính từ hai, ba người đến số lượng lớn nào đó. Sự kiện xã hội chưa xảy ra khi hai cá nhân ngồi bên nhưng hoàn toàn xa lạ nhau. Dĩ nhiên, những cá nhân này có thể nghỉ về ai đó, là thân thuộc hay chống đối. Khi đó, có một tình trạng xã hội xuất hiện nhưng không liên can đến người bên cạnh. Tình trạng xã hội tại đó, vào thời điểm đó chỉ có thể nảy sinh khi ít nhất người này nghĩ về người kia. Sau ấy là những biểu hiện của ý thức, từ ngôn từ, đối thoại đến hành vi có thể.
  Vẫn cùng ví dụ, ta nhận ra khi hai cá nhân này không cảm nghĩ, hoặc chung một cảm nghĩ tình trạng xã hội giữa họ mất đi. Tình trạng này sinh trở lại khi có sự phân biệt người này và người kia, ở sau đó. Hoặc nữa nó nằm ở ý thức thứ ba  đang quan sát và áp đặt những kinh nghiệm từ trước cho hiện tượng. Điều này là ngộ nhận ở tính bên ngoài và là một quá khứ. Ví dụ rằng, quan sát có thể áp đặt những phân biệt hiện tượng, thành lập một tình trạng xã hội theo nó: người này là Điđơrô, người kia là Ruxô, Điđơrô mặc áo đen, Ruxô từ Giơnevơ trở về. Ta chú ý, những điều này chỉ là các ý niệm trong ý thức người quan sát, nó hoàn toàn bất đồng nhất với thực tại.
  Như vậy, trên phương diện khác, tình trạng xã hội là đang nảy sinh trong từng ý thức nhất định. Cái gọi bằng hữu, kẻ thù, anh em, người khác với những quan hệ thành lập theo đối tượng là các ý niệm trung gian của ý thức đó. Với nhìn nhận cái tôi cũng là một ý niệm như những ý niệm trên, ta nhận ra có một xã hội trong cá thể. Nó là một sự kiện trong ý thức, tâm lý. Một cách tương đối bằng cố định ý niệm cá thể, ta nhận ra có vô số xã hội đang xảy ra. Nó hình thành từ các ý thức khác biệt với những tiến trình nhận thức khác nhau. Nếu như mô tả, ước lượng ta nhận ra đó là toàn thể xã hội loài người, từ tình trạng nguyên thủy, xã hội nô lệ, phong kiến đến xã hội hiện đại. Nói cách khác, có thể nhận ra lịch sử loài người ngay trong một thời điểm hiện tại như những gì ý thức đã kinh nghiệm.
   Ta cũng sẽ nhận ra qua những xem xét này có một ngộ nhận về một xã hội chung tồn tại. Nó nằm trong những phát biểu đại loại: do hoàn cảnh xã hội, dư luận xã hội, sự kìm hãm xã hội… Tồn tại của xã hội này nằm từ xác định cá nhân về gia đình, hàng xóm láng giềng cho đến các lý thuyết xã hội. Đối với một nông dân xã hội ấy là những nông dân khác, giới quan chức làng xã, những tập tục địa phương, sự chia rẻ hay đoàn kết dòng tộc. Đối với nhà kinh doanh, xã hội ấy là những đồng nghiệp, nhà sản xuất, kẻ tiếp thị, đời sống kinh tế thành phố, tình hình chính trị của khu vực. Đối với Điđơrô xã hội ấy là nước Pháp thế kỷ mười tám, giai cấp phong kiến, giới thương nhân, những tiến bộ của khoa học kỷ thuật. Đối với Ruxô vẫn nước Pháp thế kỷ mười tám, quan hệ nhà nước Giơnevơ với nước Pháp, những mâu thuẫn giữa Tin Lành và Cơ Đốc giáo, những bất bình đẳng trong đời sống tự nhiên và xã hội. Ở đây mỗi cá nhân có một sự xác định xã hội riêng, tuy nhiên tồn tại những giống nhau để xảy ra ngộ nhận có một xã hội đương thời như thế. Ta nhận ra, kể cả nhận thực giống nhau này không đồng nghĩa có một xã hội hiện nghiệm có thể tác động đến đời sống cá nhân từ suy nghĩ đến hành vi thực tế. Duy có sự tập truyền qua giáo dục xã hội, chẳng hạn các truyền thống địa phương, bản sắc dân tộc, môi trường văn hóa và kể cả chế độ, pháp luật.
  Thực tế xảy ra sự phủ nhận xã hội từ những cá nhân tự do, các cuộc cách mạng cho đến tôn giáo. Những phủ nhận này đặt trên xác định có một xã hội là thế và cần phải như thế. Xã hội phong kiến là thống trị tự do cá nhân, kìm hãm phát triển, cần phải cách mạng để thành lập một xã hội mới. Xã hội hiện đại đặc trưng bởi nền kỷ trị, các giá trị nhân văn bị phá hoại, cần đến cân đối trong việc phát triển… Những phủ nhận trên cơ sở thừa nhận này nảy sinh do những ý thức cá nhân đồng hóa nó với các ý niệm tập thể. Từ ấy dẫn đến có một xã hội là thế. Ta có thể so sánh hai cá nhân trong cùng “xã hội” để nhận thấy tồn tại và tính chất xã hội là tùy thuộc nhận thức cá nhân ấy.
  Sự phủ nhận xã hội thực chất là thay thế ý niệm này bằng ý niệm khác trong một và những tiến trình nhận thức. Không thể dồng nhất sự kiện với việc ý thức nhận ra thế giới, xã hội là những ý niệm của nó chỉ về thực tại, từ đó chấm dứt tiến trình suy tư của chính nó. Mọi thay đổi hay cách mạng xã hội như từng có là những diễn tiến hình thức trong thế giới hiện tượng. Một khi ta nhận ra tình trạng xã hội đang nảy sinh trong từng ý thức, những đối kháng trong đời sống như ngộ nhận thực chất là những xung đột trong chính tiến trình ý thức. Sự thay đổi, cách mạng phải được tiến hành ở chính sự kiện này. Nói cách khác, một khi cá nhân đã và đang là một xã hội, khởi điểm và kết thúc của cách mạng phải là từ nó và do chính nó.
  Ta hãy ngược về ngọn nguồn để tìm xem cái gọi xã hội đã nảy sinh như thế nào? Trong xác định người mẹ, đứa trẻ vừa sinh là một đứa con. Trong xác định khác, đó là thành viên mới của gia đình. Trong một xác định khác nữa đó là công dân tương lai của nhà nước. Như vậy, có một trường xã hội được thành lập ngay khi sự xuất hiện con người. Có một khả năng ý thức đang và sẽ được cung cấp cho những ý niệm vốn ở ngoài nó. Ở đây những cá nhân chung quanh không bao giờ tính đến sự chấp nhận hay phản đối của con người vừa xác định. Điều này do tính chất máy móc trong ý thức người trưởng thành, kể cả sự thụ động trong ý thức đứa bé. Sự xác định cá nhân và cũng là xác định xã hội từ nó sau này chỉ là những tập truyền. Đời sống con người là một tiến trình bưng bít từ khởi thủy. Sự phản tỉnh cho tri nhận toàn thể tiến trình là khó thể xảy ra. Trên phương diện khác, cái gọi cá nhân là vô nghĩa do sự tạo thành phi cá nhân của nó. Suy nghĩ độc lập nói riêng, đời sống tinh thần nói chung là ảo tưởng do sự trừu tượng của những ý niệm. Từ chiều hướng này, nơi đâu có xác định cá nhân nơi đó là một hiện tượng lệ thuộc như những hoàn cảnh sản sinh nó.
  Nhắc lại rằng diễn giải nhằm thông đạt những ý niệm tạo nên một vấn đề xã hội. Mục đích là chấm dứt những ý niệm. Ta không dừng lại ở một ý niệm nhất định, từ ấy như thông lệ đi đến thiết lập những mô hình mới về nó. Một khi ý thức nhận ra sự vô nghĩa, tính chất chia rẽ trong xác định cá nhân, điều tiếp theo là giải trừ cá nhân từ những tập quán suy nghĩ đến lề thói tình cảm  trước đó. Một số tôn giáo có cùng nhận thức. Tuy nhiên, đến lượt nó tiếp tục tạo ra những ý niệm mới: sự bình đẳng, tình bác ái, nghĩa huynh đệ…Tính chất cá nhân dường như được xóa bỏ nhưng  thực chất chỉ là sự đồng hóa với một ý niệm lớn hơn nó. Một trong  những sinh hoạt tôn giáo là chuyển những ý niệm này thành tâm niệm cá nhân. Cá nhân vẫn còn lại qua bất kỳ đồng hóa nào: theo ý Chúa, là tín đồ Thanh giáo, các khuôn mẫu chính nhân quân tử…Trên phương diện khác, phủ nhận xã hội ở tôn giáo lại nảy sinh một xã hội trong nó qua chia rẽ giáo chủ, tín đồ, giáo chức, giáo phẩm. Tức rằng, cái gọi xã hội đã tái sinh ở hình thức có vẻ tế nhị và ít trần tục hơn so với những biểu hiện thế tục, tuy nhiên là cùng tính chất. Lại có nhận xét rằng, sự hình thành cá nhân là tất yếu trong quan hệ xã hội. Nhưng, như đã nhìn nhận tính chất trói buộc của sự việc, giải trừ cá nhân là điều không  thể tránh khỏi trên phương diện khác. Cái gọi xã hội trở nên áp chế đối với nó. Xung đột giữa ý muốn từ cội nguồn ý thức với những quy chế, pháp luật, đạo lý xã hội. Do ngộ nhận về một xã hội ở ngoài nó, phản ứng trong những trường hợp trên sẽ là thủ tiêu về mặt vật thể, chẳng hạn việc giết người. Mặt khác, trong ngộ nhận có một xã hội là thế dẫn đến những tìm kiếm triết học cho một bản thể xã hội. Nó được đồng nhất hoặc xem như biểu hiện của đạo, là ý muốn Thượng đế, là nguyên lý túc lý. Do vậy trực nhận xã hội như hiện trạng, tri nhận toàn thể cơ cấu hình thành cá nhân là kinh nghiệm thiết yếu cho mọi tiến trình nhận thức. Với trình độ nhận thức vừa đạt được, có thể nói rằng không có một xã hội nào đó để xây dựng hoặc cải tạo. Xã hội nguyên thủy, xã hội phong kiến, xã hội tư bản… chung quy là những tên gọi rỗng nghĩa. Khẳng định sự phát triển xã hội, quy vào lẽ tuần hoàn, kỳ vọng một xã hội đại đồng là những ngụy tín bởi lẽ xã hội có bao giờ tồn tại?












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét