Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Ý NIỆM- CÕI Ý

                              CÕI Ý


1- Ý NIỆM


   Ta gọi cái bàn, giá sách, tôi, người khác, nóng, lạnh, đứng yên, vận động, hay là, như là… là những ý niệm. Theo ngữ pháp, đó là toàn thể danh từ, tính từ, động từ… Nói chung là toàn thể ngôn từ dùng để biểu thị và xác định thế giới. Như vậy, thế giới là được biểu thị thông qua số ý niệm, ngôn từ với bất kỳ sự vật, hiện tượng trong nó. Một sự vật, hiện tượng không có ý niệm tương ứng đã thuộc về thế giới khác, nếu có. Ta không có bất kỳ ý niệm về thế giới loại này. Các quan hệ trong, ngoài, trước, sau là không thể thiết lập. Câu hỏi ngoài thế giới này còn tại thế giới nào khác là vô nghĩa. Ở chỗ, ý niệm ”ngoài”, ”tồn tại” đã thuộc về thế giới này. Nó tương tự câu hỏi ngoài mảng tường có viên gạch này còn mảng tường nào khác cùng chứa viên gạch. Giả định một thế giới như thế tồn tại, nó đã thông nhau với thế giới này. Khi ấy, thực chất chỉ là một thế giới với cơ sở là những ý niệm trong nó. Với hình ảnh viên gạch, trường hợp này là góc tường nào đó. Ở đây, hình ảnh cố định về mảng tường cần thay đổi. Tức rằng, góc tường cũng chính là mảng tường. Thực tế ngộ nhận rằng đã có hai mảng tường khác nhau chung một viên gạch. Ta hãy tạm dừng triển khai này để trở lại việc xác định ý niệm.
    Cái bàn, tôi, tức là… là những ý niệm nhưng ý niệm là gì?Trên phương diện ngôn ngữ, dĩ nhiên, bản thân từ ý niệm là không quan trọng. Ví dụ rằng, trong kiểu chữ tượng hình của người Trung Hoa “nhân” biểu thị ước lệ hình dáng một người đứng dang tay. Người sử dụng có thể không hiểu xuất xứ, tuy nhiên vẫn có thể tiếp nhận nội dung ”người” khi xem. Cũng tương tự trong từ Việt, Anh ”người”, ”the man” không có liên hệ gì với hình tượng người nhưng qua việc đọc, người tiếp nhận đều có một xác định. Xác định này không cố định cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, có một lớp ý nghĩa giới hạn. Chẳng hạn, qua “người” khó thể nảy sinh tiếp nhận có hình ảnh con cuốn chiếu. Điều này vẫn có thể xảy ra trong các trường hợp đặc biệt, như so sánh trong đời thường, ẩn dụ trong thi ca. Để bớt việc phức tạp cho việc trình bày và theo dõi, ta sẽ bỏ qua những trường hợp này. Tức rằng, cho bản thân từ ý niệm, không có những tiếp nhận như trái cam, cơn hồng thủy. Căn cứ vào ý nghĩa là một lớp giới hạn rộng, nó được xác định theo chủ quan từng trường hợp. Ở đây, ta không đưa ra định nghĩa trực tiếp, cụ thể về ý niệm. Khi điều ấy xảy ra, nó đã là một xác định chủ quan. Tức một giới hạn trong lớp giới hạn. Khả năng diễn đạt của ngôn từ giảm đi.
   Sau việc xem xét trên phương diện ngôn ngữ, tức sự thể hiện nó, nhận xét rằng tồn tại ý niệm trong một ý thức nhất định. “Con người” một ý niệm là nằm trong suy tư một triết gia, điều tra một nhà xã hội học, hoặc trong ý thức cá nhân thời điểm nào đó. Tách ly toàn thể các ý thức nó không có tồn tại độc lập nào khác. Chú ý rằng, “con người” không phải là một kỷ sư, viên chức, một người lao động ta bắt gặp mỗi sáng trên đường và nhầm tưởng. Các xác định này vẫn chính là các ý niệm của ta, và ở trong ta. Việc sử dụng các ý niệm ”kỷ sư”, “viên chức”…để trỏ vào “con người” thực chất là thay thế ý niệm này cho ý niệm khác. Sự xác thực của nó trước đối tượng là như nhau, ở chỗ không xác thực của nó. Trên thực tế, tức là những tư tưởng, có ngộ nhận như sau. Nó xem rằng ”kỷ sư” hoặc kết hợp với những ý niệm khác: làm ở một xưởng thiết kế, cư ngụ trong một khu phố, các thói quen sinh hoạt… là sự xác định cụ thể và là thực tế theo nó.
  Ngộ nhận khác, ý thức nhận ra sự trừu tượng hóa của những xác định. Tức rằng, ý thức đang đặt con người vào những quan hệ bên ngoài nó: công việc, lịch sử, luân lý… Nó tiến đến khẳng định bằng việc phủ nhận các xác định. Sau đó, vẫn theo nó xác định có ý nghĩa là hiện diện duy nhất là của cá nhân với những khả năng tự do của cá nhân ấy. Một sự  phủ nhận như thế đã là phủ nhận ý niệm, và là hệ thống ý niệm, bằng những ý niệm khác. Nó đã rơi vào vòng lẩn quẩn của sự xác định và diễn dịch. Qua diễn giải ta cũng thấy rằng xác định của một ý niệm bằng vào những ý niệm khác. Trong hình dung, theo từng ý thức, ý niệm cái bàn có thể là một tấm phẳng, bằng gỗ hoặc mi ca, có bốn hoặc một chân… Trên diễn giải nó được xác định bằng: cái bàn là một tiện nghi sinh hoạt, dùng để đặt những đồ vật khác trên nó, để viết hoặc dọn ăn…Ý niệm cái bàn tự nó là không xác định và không có ý nghĩa. Xuất hiện hình ảnh trực quan khi ý niệm cái bàn xướng lên một cách tức thời là có thể có. Tuy vậy, hình ảnh này chưa có tên gọi, và những xác định của ý thức thông lệ. Lại chú ý, hình ảnh trực quan này là tương đối theo từng ý thức. Một người chưa từng có ý niệm cái bàn, sau khi ý niệm xướng lên là không thể có bất kỳ hình ảnh về nó. Ta chú ý điều này vì một số ý thức tri nhận “trực quan” là một xác thực chung. Từ ấy, nó khẳng định tồn tại chân lý trong khu vực cảm tính, cụ thể.
   Như ý thức kinh nghiệm có những phân loại về ý niệm: ý niệm cụ thể, ý niệm trừu tượng. Theo nó, cái bàn, nóng lạnh, xanh, đỏ là những ý niệm cụ thể. Tất yếu, tự do, lý tưởng, ý chí là những ý niệm trừu tượng. Xác định ”cụ thể”, “trừu tượng” theo nó bằng vào những hình ảnh trực quan có thể của ý thức sau khi ý niệm được xướng lên. Tính tương đối của điều này ở chỗ khả năng tri nhận, sử dụng các ý niệm lại phụ thuộc vào các ý thức. Những con số vốn là trừu tượng nhưng qua sử dụng, đặc biệt trong tư duy toán học, đã trở thành cụ thể. Tư duy hệ thập phân khi chuyển qua hệ nhị phân đã rơi vào sự trừu tượng, và ngược lại. Khả năng nắm bắt các thuật ngữ triết học của một triết gia không thể quy đồng với người chưa qua học vấn. Về thực chất, tính cụ thể, trừu tượng của các ý niệm chỉ ra khả năng tư duy trong từng trường hợp riêng biệt. Tính cụ thể và xác thực của “cái bàn”, “màu xanh”, “thực phẩm”… chỉ là sự hồi phục và tiếp diễn những ý niệm của ý thức trong không gian quen thuộc, tức ký ức. Một khi ý thức bị phá vỡ, ta nhận ra ngay sự trừu tượng, và cả bất xác của những ý niệm trên. Giờ đây, ta xem xét ý niệm trong quan hệ với ý thức. Sự xác thực của ý niệm là nằm trong ý thức nhất định. Chẳng hạn “con người” là ý niệm trong một suy nghĩ. Tồn tại của nó có thể như một nảy sinh bất chợt, là trung gian trong một tiến trình suy tư, hoặc như kết thúc một tư tưởng. Ta sẽ khảo sát từng trường hợp. Ý niệm “màu xanh” có thể nảy sinh khi đối tượng ý thức là chiếc lá, mặt biển hay bầu trời. Sự nảy sinh trực tiếp này tạo ra ngộ nhận về tính liên tục của ý thức trước thực tại. Tức rằng, theo ngộ nhận có một thế giới thực  tại ngoài chủ quan ý thức. Sự xem xét cặn kẽ hơn chỉ ra ý thức ở đó đang hồi phục một trong những tiền niệm của nó. Nảy sinh ý niệm là tự nhiên, ở thời điểm đó, đã tựa trên những kinh nghiệm của ý thức. Ta nhận ra sự xác định máy móc của ý thức trong trường hợp này. Tương tự việc cá nhân đáp trả khi có ai gọi tên nó. Ở đó, ý thức không cần phải xem xét tên gọi có những ý nghĩa gì? Nó có những nguồn gốc nào? Sau hết, đâu là sự xác thực giữa tên gọi và nó? Hiển nhiên, sự đáp trả tức khắc không có nghĩa sự đồng nhất giữa tên gọi và nó.
   Trường hợp khác, tồn tại ý niệm là trung gian trong một tiến trình tư tưởng. Chẳng hạn cảm giác “dịu mát” do màu xanh đem lại. Tương ứng với diễn đạt này là ý thức nào đó đang diễn dịch qua những ý niệm của nó. Cơ cấu trường hợp này vẫn như trường hợp trước. Ở thời điểm xảy ra sự việc, tức cảm giác, chưa có sự thâm nhập của ý thức vào những ý niệm của nó. Tức rằng, có một  trạng thái tức thời, không nằm  trong biểu thức bất kỳ  xác định cho nó. Cũng ngược lại, tồn tại biểu thức ở sau có tính chất tùy tiện của diễn đạt. Sự xác thực của ý niệm trong ý thức đó chỉ như một công cụ của chính nó. Nhận xét rằng, ngộ nhận trong trường hợp này thường tăng lên do sự chặt chẽ của biểu thức.
   Trường hợp ý niệm như kết thúc một tư tưởng, ta nhận ra sự “vật hóa”  của ý thức vào những công cụ của nó. Chẳng hạn, trước đối tượng “con người” có thể có một quan sát không có chủ đích của ý thức. Trong quan sát khác, nó là con người, một trong ba ngôi vũ trụ, tức thiên, địa, nhân. Trường hợp sau cùng như ta đang xem xét, sự “vật hóa”: con người này trạc tuổi trung niên, anh ta là người da trắng…Ý thức đang khuôn vào những ý niệm của nó. Những xác định kiểu này tăng lên, kéo theo nó sự đông đặc của ý thức. Một khi những biểu thức của ý niệm đã thành lập, cố định, có một hoạt động tinh thần đã chấm dứt. Ở đó ý thức đã bị vật hóa toàn thể.
   Quan hệ ý niệm và ý thức còn được soi sáng thêm qua xem xét sau. Đứng trước cùng vật thể với một ý thức là cái nhìn thoáng qua, hoặc quan sát tỉ mỉ nhưng không cố định, xâu chuỗi quan sát theo một ý niệm duy nhất. Trường hợp này tương tự sự kiện vứt đi vật thể nhưng không vì mục đích nào đó. Nó như một việc làm ngẫu hứng. Trường hợp khác là sự xác định, tức nảy sinh ý niệm, một trái cam chẳng hạn. Một ý thức khác, ý niệm nảy sinh là sự tròn đầy. Trong một ý thức khác nữa, là sự định giá trái cam. So sánh các trường hợp ta nhận ra, trước hết là sự nảy sinh ý niệm hoặc không  là do ý thức chủ quan. Cũng tức rằng, sự xác định quả cam duyên do ý thức nhất định. Ngộ nhận xảy ra là có một quả cam tại thể. Điều này không gì khác hơn sự hồi phục một tiền niệm của  ý thức trước một hiện tượng giới hạn theo nó. Tiếp theo, sự nảy sinh các ý niệm khác nhau theo từng ý thức. Quả cam, sự tròn đầy, năm yên… chính là những ý niệm đó.
   Từ sự nảy sinh những ý niệm khác nhau, ta chỉ rằng những ý niệm là như nhau, theo nghĩa sự phát khởi tự do, tùy tiện của nó.Các khẳng định quả cam, sự tròn đầy là chân lý đều vô nghĩa như nhau. Vẫn thường rằng, trước sự kiện đơn giản ta có thể xác minh, để nhầm lẫn ở các trường hợp phức tạp hơn thế. Chẳng hạn khẳng định tư tưởng này là chân lý so với những tư tưởng khác.
   Câu hỏi đặt ra, từ đâu ý thức có những ý niệm để biểu thị hiện tượng? Điều này là do tập truyền, ghi nhớ trở thành ký ức của nó. Từ ký ức này các ý niệm nảy sinh ở hiện tại với sự dụng công của ý thức hay không. Một ý thức chưa từng có ý niệm tròn đầy  không thể có sự phát khởi ý niệm trước hiện tượng. Nó chỉ rằng, đó là quả cam, màu vàng như kinh nghiệm. Ý nghĩa sự dụng công như sau: Trường hợp đơn giản chẳng hạn việc gọi tên, ý thức sẽ đáp trả ngay tức khắc. Trong việc giải một bài toán, nó phải hồi phục vô số ý niệm khác, tức các bước suy nghĩ, tính toán. Những ý niệm  này từng có ở dạng rời rạc. Có một tư tưởng, tức sự vận động của ý thức, đang xảy ra để đi đến một ý niệm trong nó.Ta hình dung một người đang đi tìm trong kho bãi một đồ vật nào đó. Kết quả tìm được, tức một ý niệm sẽ xuất hiện sau vô số ý niệm khác. Ta có nhận xét sau. Sự dụng công, tức các tiến trình tư tưởng là tùy thuộc từng trường hợp. Với người ‘thông minh” nó sẽ có con đường ngắn hơn so với những trường hợp khác. Một khi kết quả như sự hiển hiện ta nhận ra sự năng động của nó. Trường hợp trong ký ức chưa từng có ý niệm tương tự, nó sẽ đề ra những ý niệm mới. Chẳng hạn sự hình thành số âm, số ảo trong toán học. Trên một phương diện, có thể xem như sự sáng tạo của ý thức. Trên phương diện khác nữa, đây vẫn là sự luẩn quẩn của ý thức trước những hiện tượng từ nó. Tức rằng, nó đang tạo ra một thế giới ý niệm ngày càng lớn hơn, có vẽ chặt chẽ hơn để xác định về thực tại. Tuy nhiên nó rơi vào sự trừu tượng ngày một lớn dần. Một khi nó nhận ra sự bất lực và cũng không tìm cách xây dựng ý niệm nào mới, có một khoảnh khắc xuất hiện. Lúc đó nó đang là cái nhìn bất định. Nói khác đi, không có một thế giới nào thành lập ở đó. Song, trên thực tế, khoảnh khắc này thường bị bỏ qua.
   Giờ đây, ta xem xét tính chất vật thể, tài liệu của ý thức. Sự nảy sinh của nó là nằm trong ý thức với mục đích nào đó. Qua tập truyền, lưu trữ  kể cả việc sử dụng thường xuyên hay không nó cấu thành đặc trưng của một đời sống tinh thần. Màu xanh, màu đỏ, đường nét là những ý niệm thường có của một họa sĩ. Với một triết gia, những ý niệm đó là vật chất, tinh thần, bản thể, ngẫu nhiên, tất yếu… Từ một ký ức khác nữa là những ý niệm giá trị, tài sản, tiền tệ, hàng hóa. Ở đó đang là một thương gia. Ở mọi trường hợp, từ nhà thông thái đến người vô học đều tồn tại một số ý niệm nhất định. Dạng ký ức nó như một tập hợp rời rạc. Trong tiến trình suy tư nó mới được liên kết và tạo nên tư tưởng nhất định. Và, tư tưởng một cách hệ thống, các ý niệm đều được sử dụng đến là một khả năng khác của ý thức. Theo một chiều hướng, ý thức đang xem xét, tạo ra một thế giới từ nó. Theo chiều hướng khác, đó cũng là việc ý thức đang bị vật thể hóa.
   Và kết thúc phần xem xét này, ta có những bổ sung sau. Một ý niệm có thể nói lên, viết ra hoặc ở dạng tiềm ẩn. Ở hai trường hợp đầu, nói và viết, ngay lập tức rơi vào sự tĩnh tại, vật thể. ”Cái bàn” ở dạng chữ viết chỉ là cái bàn trong việc đọc, tức ý thức nào đó. Sự quan tâm của ta cho những ý niệm đang xảy ra này. Lại chú ý rằng, không có sự quy kết kiểu này và với cá nhân xác định. Bỡi lẽ, cái gọi cá nhân lại là ý niệm của một ý thức khác xác định cho hiện tượng ý thức, là đối tượng ”vô hình” trước nó. Nó thực sự biết đến ý thức kia khi có sự biểu lộ qua lời nói, tức đã nghĩ gì. Cũng thể là đang suy nghĩ gì, tức tư tưởng thành tiếng. Vẫn thường ngộ nhận rằng, cái gọi sự biết qua đồng hóa ý thức và tiền niệm: người đang ý thức, thân thể, hình dáng, tiểu sử. Sự biết ấy, thực chất là việc ý thức vẫn đang hoạt động theo con đường riêng lẽ của nó. Tức rằng, các ranh giới trong, ngoài, giữa hai ý thức đã bị xóa bỏ. Diễn ngôn có thể cho trường hợp này: tôi là ngài và là thế giới.
  

  



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét