Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

BẢN SẮC- LINH ẢNH

  9-BẢN SẮC

  
   Sống là đặt mình trong tòan thể các quan hệ của tự nhiên và xã hội. Ở đó, ta có thể là một người lắng nghe, học hỏi. Lên tiếng nếu như có thể, một nhu cầu biểu lộ sâu xa và phức tạp. Ta vẫn thi thỏang nằm trong những trường hợp mà đối diện buộc ta phải: lên tiếng đi chứ…Suy nghĩ và hành động, sau rốt là chiêm quan và tái hiện.Nhu cầu tái hiện này, một đối tượng, con đường đã qua hay như một tiếng ngân  các giá trị…có những căn cứ nào. Sự xem xét chắc chắn dẫn đến những điều thú vị nào đó…
   Một người bạn, nhờ tôi viết về những gì mà anh ấy yêu thích. Việc nhờ này thật là khả ái. Sự việc tương tự như tiếng vỗ tay của một khán giả. Hãy hát nữa!... Đây cũng là một trong những duyên do khơi mạch  trang viết này…
 ...Một tiếng nói khác nằm trong ẩn mật buộc tôi phải hướng đến, nói đến. Dầu là sự nói này thực chấm phá, không tương đồng với những gì đang nhắm đến. Câu chuyện trước hết tôi muốn lưu lại là Chữ Đồng tử….Tiên Dung trông thấy một bãi cát đẹp và cho các tỳ nữ quay màn để tắm. Cát chảy ra và Chữ Đồng tử buộc phải đối diện…Sau đó thì hai người học phép tu tiên. Phép rút đất. Một đêm hai người chia tay trần thế. Vùng đất mà hai người ở trở thành một cái hồ. Đầm Nhất dạ.
  Tôi vừa kể sơ những chi tiết trong một cổ tích. Câu chuyện là một huyền thọai trong tính lãng mạn và phép








thuật của nó. Sự kết hợp, giao cảm từ những thành phần xã hội khác biệt là công chúa và một anh chài.Nhìn ngược lại, sự khác biệt là có thể hợp nhất trong tình yêu đôi lứa. Một sự hợp nhất trọn vẹn và là một thay đổi tòan cục. Dĩ nhiên, sau tiếp chạm và ưng thuận những số phận riêng tư đã thay đổi. Có một khía cạnh liên hệ  nhỏ, những đổi thay xã hội cần phải thực hiện trên nền tảng của tình yêu. Tình yêu làm một cuộc cách mạng mà không phải sản sinh hay để lại trong lòng nó những mặt trái và  dư vị … Có một mạch ngầm trong câu chuyện nó chỉ ra phương diện triết học của huyền thọai này.Hai người học phép rút đất! Sự rút ngắn các khỏang cách này là một bước tiếp  tục sau sự hợp hôn. Khỏang cách xã hội đã lọai bỏ và nhũng khỏang cách khác, là địa lý, không gian cũng được thực hiện tiếp tục.Sinh họat  của một cặp tình nhân đã vươn đến công việc của  cộng đồng. Sau  khi thành tựu cho bản thân,họ đang thành tựu cho những ngừơi khác…Sau sự rút, nạo vét không gian như vậy, cái tận cục là gì?
   Một cái đầm, đầm Nhất Dạ. Đất, với các trạng thái rắn đặc đã được thay thế . Tôi tin chắc rằng đó là một cái hồ long lanh nước. Vào cỡ: Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc non phơi màu vàng
    Một câu chuyện khác, nó để lại chúng ta những suy nghĩ, cắn rứt, thọat tiên là những dư vị làm nản lòng. Tuy nhiên sau rốt thì dư vị cũng đựoc hóa giải.Tiếng hát của Trương Chi là phần bù cho những hòan cảnh xã hội, tiểu sử.Nhìn khác thì, tiểu sử, một nhân diện không ra chi, một con đò quanh  quẩn trên sông…ngưng tụ lại. Nó kết






tinh thành tiếng hát mê hồn của chàng.Tiếng hát đối với Trương Chi là một cứu cánh, một sự giải thóat. Tuy nhiên lại là một rối rắm khác…Nó dẫn chàng đến với tình yêu của Mỵ nương và là một tình yêu bỏ ngõ.
   Trong mỗi chúng ta, hàm chứa cái nhìn của Mỵ nương trứơc sự thật, cuộc đời.Ta đã hình dung một sư thật khác, lý tưởng và trọn vẹn.Nhưng điều này là không thể. Chỉ có một phương diện của cuộc đời là lý tưởng, tiếng hát…Những gì còn lại, phần thô, mặt trái và dư vị…Để chấp nhận tiếng hát, cái trác tuyệt, chúng ta phải chấp nhận cái bên ngòai, một hình tướng là đối lập của nó…
   Sự phân biệt này là căn nguyên đau khổ cho cả hai.
   Trưong Chi vẫn miên man trôi trên sông trong thất vọng, thân phận và não nề. Tuy nhiên, có những thời khắc mà chàng tìm thấy giải thóat. Tiếng  hát. Dẫu bầu trời có sập vẫn còn tiếng chim sơn ca. Có một câu tục ngữ Nga như vậy.
    Sau rốt thì cũng chẳng còn dư vị nào. Cái gọi những dư vị  kết tinh  thành viên ngọc. Trái tim của Trương Chi. Một luân hồi sau cùng khác.Mỵ nương không thể xa Trương Chi. Nàng tìm đến. Và huyền thọai thực thi phép màu của nó. Khi những giọt lệ của Mỵ nương chảy xuống, trái tim kết khối của Trương Chi tan ra…
   Cái nhìn của chúng ta thì vướng mắc trong hình tướng sự việc. Cái nhìn này không đem lại và đạt đến những tầm sâu mà chúng ta muốn có. Một tiếng hát. Siêu việt hình tướng là một việc muốn hay không chúng ta phải thực hiện nếu như vươn đến một cái gì của bền vững và ngà ngọc.
   






    Chừng vài ngàn năm qua, cảm xúc từ câu chuyện  dẫn đến một tư thế khác, của nghệ sĩ:

   Ngồi đây ta gõ mạn thuyền
   Ta ca trái đất còn riêng ta…
                                            Văn Cao
   Ta lại nghe tiếng sơn ca véo von một lần nữa ….

   Cảm động người nghe và cảm động cả tự nhiên.Làm tự nhiên phải thay đổi vài trật tự của nó. Tôi muốn nói đến câu chuyện rét nàng Bân. Thương chồng nhưng chậm chạp chút đỉnh, nàng may cho chàng một cái áo lạnh. May xong thì mùa đông đã qua…Trong những oi bức ráo riết của ngày đầu  hè thì áo lạnh làm gì? …Nàng Bân thất vọng. Những cành hoa héo hon hay trái quả thiu  thì chẳng thú vị gì! Ngọc hòang, nhận ra điều ấy. Và cảm với tâm tình của con gái, Ngọc hòang thay đổi một ít. Cho  một trận mưa vào tháng ba và những ngày giá rét…
     Có nhiều ý vị của câu chuyện. Tôi chỉ nêu ra những cảm thụ  trong lắng nhất. Có một tâm cảm của Nàng Bân, sau đó là sự cảm ứng và thấu hiểu của Trời. Từ sự cảm ứng này  tự nhiên và là những quy luật của nó thay đổi…Sự độ lượng của trời đất là cái còn lại, luôn ở đó một khi ta nhận ra nhiều sắc thái…Trong câu chuyện là sự độ lượng của Trời với tâm cảm của con gái.
    Tâm cảm này là  nghĩa phu phụ, bởi vì nàng  Bân đã là vợ. Sắc thái tình yêu đã nhường cho một phương diện khác trong câu chuyện này…
  







   Một lối cảm thụ của thơ là, hiển nhiên Ngọc Hòang có thể giữ nguyên mọi việc và để con gái phải chờ. Vài tháng sau là mùa đông đến. Chậm một chút cũng không can hệ gì. Tuy nhiên Trời đã không làm thế. Cho ngay một cơn mưa…
  Trong nghìn trùng duyên khởi để nói về bản sắc, một bản sắc thi ca, nhận thức hay con người không thể cô nén lại trong vài đôi dòng viết. Nhưng có, một cách vô thức và  chạm đến những gì sâu xa của sự việc, ta hãy để  tự nhiên là ý thức với các sự hồi phục của  nó. Điều này tương tự Pautôpxki đã không ghi chép gì trong 10 năm thực tế của mình để thu nhập kinh nghiệm sống. Những gì còn lại của 10 năm sau đó là một sàng lọc tự nhiên và quý giá.  Nó đứng vững trước lãng quên và nhập vào cốt cách…
   Sau những huyền thọai là …

    Nhị bát giai nhân thích tú trì
    Tử kinh hoa hạ chuyển hòang ly
    Khả liên vô hạn thương xuân ý
    Tận tại đình châm ngữ bất thì.
  
   Bài thơ chưa có bản dịch thơ  theo tôi biết. Người đẹp tuổi 16 đang thêu.  Trong lùm cây tử kinh mùa hè chim hòang ly chuyển giọng hót. Có thể cảm ra ý thương xuân vô tận. Đang dừng lại trên mũi kim và dứt tuyệt tiếng nói.
    Dịch ra văn xuôi là như vậy.
    Đây là bài thơ của thi sĩ và cũng là tam tổ Trúc lâm Yên tử Huyền Quang…Vẻ đẹp của bài thơ có thể cảm






thụ từ mọi phương chiều. Một tình nhân, thi sĩ hay một thiền gia….Người ta phỏng đóan Huyền Quang khi làm bài thơ này hãy còn tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, điều này có gì quan trọng. Chính là cái nhìn trong vắt, chăm chú đã đạt đến ngọai vật trong tòan thể: người đẹp, khúc chuyển của chim…khỏanh khắc dừng tay…
   Điều ta hình dung một sự bàng quang của thiền giả,  cách biệt từ “tôn giáo” đến “thế tục “ là điều không thực có. Thiền giả trong nhiều cấp độ là sự dọn đường cho thế tục. Tu sĩ là cảm ứng với thi sĩ trên mọi phương diện. Sự cảm ứng này hãy còn biểu lộ nó miên viễn bất tận. Dừng
ở mũi kim là dứt tuyệt ngôn ngũ. Thực ra không có ngôn ngũ nào có thể diển tả hết trạng thái ấy. Không có gì nói nữa thì chúng ta hãy lùi lại, hoặc  tiếp theo: hành động, thuyết giáo những gì mà chúng ta tin tưởng, kể và hòa nhập một lần nữa, một lần nữa: khả liên vô hạn thương xuân ý…
   Cũng khái quát, tòan thể và lần này, là sự thâm trầm:

 …Trước mắt việc trôi mãi
    Trên đầu tóc bạc rồi
    Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một cành mai
   
   Mãn Giác thấy và nói với chúng ta như vậy. Một cái nhìn lạc quan là điều ta có thể tiếp nhận trong thông điệp bài thơ. Hình ảnh mai nở là một hiện thực trong tâm linh hành giả.Xét ở mức độ sâu xa nhất. Nó có thể như một cách nói, một hình tượng văn học trong một cảm thụ








thuần túy văn chương. Chừng ấy đã đẹp tuy nhiên khi tác giả là một thiền sư ta hãy lắng đọng tâm trí thêm một ít nữa. Sau sự lắng đọng ấy cành mai mà Mãn Giác nói đang nở trong chúng ta…
    Nguyễn Trãi và Nguyễn Du nói với chúng ta bao điều trong thơ ca, cuộc đời. Thơ ca của hai thi hào là sự hòa trộn với cuộc đời, tiểu sử…Đọc tiểu sử Nguyễn Trãi ta hình dung thơ của ông sẽ là  như vậy:
    
     Bui một tấm lòng ưu ái cũ
    Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông

 Tuy nhiên dòng chảy này đã không về được biển Đông. Nó bị đổi dòng, làm chệch hướng và ngưng đọng. Sau rốt là Lệ chi viên!...Và rồi minh quân Hồng Đức đã xuất hiện và phải xuất hiện. Lịch sử đã lên tiếng nói,dầu là muộn nhưng cần thiết.
  Chúng ta là những mảnh vỡ nhỏ của Ức Trai. Chứa đựng trong đó những ẩn khúc nào đó. Thường lệ chúng ta vận hành trong một giai điệu chậm rãi. Điều ấy cũng là tương thích, tuy nhiên khi cần thiết phải vươn đến kích thước và tốc độ của sấm sét. Sấm rền vang và sét chiếu sáng. Thanh giải là cơn mưa rửa tan bao bụi bặm và ám khí. Quẻ Phệ hạp trong kinh Dịch chỉ ra vận hành của sự giải trong hình tượng này. Hình tượng của hô ứng trong tác động của sấm sét…
   Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ!
   Bởi vì, cho đến lúc nhà vua Lê Thánh  Tôn giải oan cho Nguyễn Trãi ta hình dung những gì đã xảy ra cho người sống và cả cho người đã chết. Người tán lọan, hồn phiêu diêu…

  


   Hùng khí, là khí thiêng dân tộc không bị tản mác. Nó ngưng đọng ở vách đá, sông sâu và trừơng thành cung điện. Nó ở đó theo nhân duyên nhập vào những khuôn mặt mới theo  lối đồng thanh  tương ứng đồng khí tương cầu…Mặt trái là ẩn khí và uất khí cũng như vậy. Sau Ức Trai, hùng khí và cả là uẩn khí  lại chuyển dịch qua một khuôn mặt mới: Chu Thần.
  Uất khí bắt đầu từ sơ khai của nó:
   Áo Trọng Do bạc thếch giải Xuân thu cho đượm sắc cần lao.
  Cơm Phiếu  mẫu hẩm xì đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi đau khổ
  Gió trăng rơi rụng làm cái quyên gầy
  Sương tuyết hắt hiu làm con nhạn võ…

  Ta chứng kiến một tư thế của Chu Thần:
 
   Chưa thể chơi xa lại dựa lầu
   Lan can ngồi ngắm chệch dòng sâu

   Quả  là chưa  thể chơi xa vì với cái hạo khí của Chu Thần, những gì là quan trường, nghi lễ, thi xướng xem chừng là những lối nhỏ quanh quẩn. Nhà thơ trong tình thế như vậy ngồi ngắm: chệch dòng sâu. Dòng sâu này là hòan cảnh, lịch sử hiện tại. Nhà thơ phải ngắm nhưng mà chệch.
   Không phải Chu Thần không dám đối diện, tôi nghĩ rằng đó chỉ là một tư thế nhất thời. Trong sự chệch ấy là bao điều nung nấu….

  





    Nước mây đưa khách thêm nguồn  tủi
   Doi bãi riêng ta chất khối sầu..
  
   Với người khác là giải tỏa nỗi sầu ấy trong thơ ca, hát xướng hay mỹ tửu. Tuy nhiên, chừng ấy việc nếu có cũng không thể giải tỏa tòan bộ con người Cao Bá Quát.Dòng chảy hùng khí với Ức Trai đã được phát tiết
trong Bình Ngô cáo, một vang âm sang sảng và bảo chứng bởi lòng yêu nước cùng như tính nhân nghĩa. Đến lượt Chu Thần, cũng có sức mạnh ấy. Tuy nhiên đối diện hòan cảnh  sự phát lộ của nó là tiếng nói khẳng định và thách thức:
  
   Bình dương Bồ bản vô Nghiêu Thuấn
   Mục dã Minh điều hữu Vũ Thang.


   Và rồi những gì đã xảy ra…
   Cách xa các tiền nhân vài thế kỷ, những gì mà tôi có  thể làm lúc này là gửi sự kính ngưỡng của mình theo hương trầm vào quá khứ. Tôi cầu mong những gì chưa siêu thóat sẽ hòan tòan yên vị trong phương trời Tịnh độ …

    Rót rượu trên sông tế nắng chiều…

   Những gì mà người đoc tiếp nhận trong Truyện Kiều đã là sụ chiêm ngưỡng, hứng khởi vô cùng tận. Nhưng, tôi ngờ rằng chúng ta chỉ mới nhìn nghiêng một khuôn mặt, bức tường hông của một lâu đài. Những mặt khác? Văn  tế thập lọai Chúng sinh. Bắc hành tạp lục. Thanh hiên thi tập….Những hướng chỉ nhanh.
   




   Minh triết và yếu tính thi sĩ của Tố Như bàng bạc khắp nơi. Có một tản văn nhà thơ kể việc đi săn của mình và sự hứng thú vì săn không được gì cả. Sau một ngày oi nồng và vất vã của việc trèo đèo lội suối. Điều này chắc chắn vậy. Một người viết văn tế cho các cô hồn không thể là người không cảm thông với tòan bộ sinh thể. Việc săn hạ một con hươu hay hạc và tìm thấy ý vị trong đó không phải là cốt cách của một nhà thơ. Ý vị khi ấy chỉ là sự ẩm thực thuần túy….Cái nhà thơ hứng khởi hay khuây khỏa cho nỗi lòng là núi non, trời đất mênh mang và hùng vĩ. Sự nối tiếp từ Lô sơn đến Hồng Lĩnh…Những ngọn núi mà Tô Đông Pha thỏa ý khi nhìn ngắm cũng là ngọn núi trong tâm trí của Tố Như. Nó bắt đầu từ trong tâm trí.
    Câu hỏi tự nhiên là diện mạo tinh thần của Tố Như ở đâu? “Cỏ  pha màu áo nhuộm non da trời” như Kim Trọng, tức một thư sinh, nho sĩ?  Điều này, nếu có chỉ là một sắc thái, đường nét trong tâm linh của Tố Như. Ta chưa thấy những tương thích với một người đã trãi nghiệm: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.Tức một cảm quan Phật giáo. Diện mạo Tố Như trong :” Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm tất rộng thân mười thước cao” ? Cái đó, chỉ là giấc mơ của thi hào khi mà sự nhiễu nhương bên ngòai quá độ….Cần thiết  bàn tay mạnh hay một thanh kiếm. Tuy nhiên nó không phải là một cái gì sâu xa và thường trực.Rồi lại thấy, có một tính chất duy mỹ và hòa đồng bàng bạc như vậy. “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê  trắng điểm một vài bông hoa”.  Nhưng, vẫn còn






có một cái gì đó khó là bày tỏ,  tựa như việc thi sĩ làm quan một cách vừa phải. Khi lâm bệnh cũng chẳng tha thiết việc thuốc thang gì lắm…Vậy thì, diện mạo tinh thần, tâm linh của Tố Như ở đâu? Ở đâu khi mà có cái nhìn nhận tòan bộ ba đào, sóng gió của Thúy Kiều lại chỉ xuất phát từ một cái gì vớ vẩn, ngẫu ngộ như một trò chơi. “Phải tên xưng tuất là thằng bán tơ”. Một gã, anh chàng bán tơ nào đó chỉ đựợc  thi sĩ nói đến  một dòng trong 3000 câu thơ…lại là một nhân tố khởi đầu đáng sợ…? Rồi lại thấy, tòan bộ khúc đọan trường ấy nhà thơ
chỉ xem là một thứ mua vui cho người qua vài trống canh? Điều này không phải là một cách nói khiêm tốn. Nó biểu lộ những gì sâu xa hơn thế…
   Vậy thì một cái gì lạnh lẽo trong ta đã dần xuất hiện.Câu hỏi ba trăm năm sau có ai khóc cho Tố Như không, tôi nghĩ, chỉ là một thóang hỏi xuất phát từ động tâm và xao xuyến chút đỉnh. Nó không đến mức bức xúc vì nhà thơ đã thâm trầm đối diện  nó, hóa giải nó. Nói tóm lại  khóc hay không cũng vậy!
  
   Sương in mặt tuyết pha thân
   Sen vàng lãng đãng khi gần khi xa…
  
   Tôi nghĩ tâm linh thi hào ở đó…
   Để khỏi sa vào những truy nguyên, vốn dĩ bình thường trong một hành trình nhận thức, nhưng theo những truy nguyên như vậy ta nhận ra một cái gì của núi đá, băng tuyết, hoa mai trắng, trinh nữ triền miên…ta hãy mau chóng chuyển dời…
   Những gì dung dị, nồng hậu, cận nhân tình. Có một sự nhún nhường, xuề xòa  thể lộ qua cả việc nói đến những gì nghiêm trọng nhất:
  
  



   Việc tống táng lăng nhăng qua quýt
   Cúng cho thầy một ít rượu hoa
                      
   Tam nguyên Yên Đổ dặn dò con cháu như vậy. Có một cái gì đó thật khả ái trong sự đòi hỏi, cũng là một đòi hỏi nhỏ: rượu hoa. Tuy nhiên, khi đến những dòng này, nhà thơ đang ở một chỗ khác. Đìu hiu mà thơ mộng. Gần gũi mà cao vời. Thi sĩ dẫn ta vào một khung trời của an nhiên vĩnh cữu. Trong cái vĩnh cữu ấy dễ gợi ra những cảm quan tôn giáo. Nhà thơ để lại một cái cụ thể. Những đối tượng không tách rời mà hiện lên một lúc. Do vậy nó mang lại hồn thơ :

   Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
   Cành trúc lơ phơ gió hắt hiu…
 
   Rồi thì tất cả trở nên mênh mang và nhòa dần. Cái gì đó vừa lắng nghe vừa chẳng nghe được một cái gì cả, sự bất định:
 
   Một tíếng trên không ngỗng nước nào…
  
   Và rồi thì chúng ta cũng mau chóng đến với một khuôn mặt thời đại: Bùi Giáng. Cuộc đời Bùi Giáng làm chúng ta liên tục suy nghĩ lại mình, cuộc đời và xã hội…Sụ du hý, trào  lộng của Bùi Giáng thật đa nghĩa. Nó làm chúng ta ngần ngại trong cách sống, cảm thụ và suy nghĩ của bản thân.Trước Bùi Giáng chúng ta nhìn lại. Có phải là như một nhân vật của Sê khôp chúng ta tự bằng lòng trong một khu  vườn phúc bồn tử hay là ngũ trong cái bao nào đó? …
    



   Bùi Giáng có để lộ một cái nhìn  có thể hóa giải cả những nghi vấn, thắc mắc vừa mới nảy sinh:
  
   Lý cũng như đào, mận cũng như…
  
   Tất cả  là Như. Như lai, Như thị…Vậy thì những dòng này nên kết thúc  ở đâu?
   
    Sáng nay mây gió đầy trời
    Vườn xuân lá lục em ngồi ngắm hoa
    Sáng nay tình tự ngọc ngà
    Người yêu ở lại giang hà tuổi xanh
    Ngàn dặm em đi cùng anh
    Dừng chân bến nước long lanh mây vàng…
                                                       Bùi Giáng
  


                                                  



        















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét