Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

SIÊU NGHIỆM- CÕI Ý

8- SIÊU NGHIỆM


   Trước hết, ta cần nhắc lại tác động và giới hạn của ngôn ngữ trong giao tiếp. ”Cuốn sách” Điđơrô vừa xướng lên gợi trong Đalămbe những ý niệm tương ứng: tập giấy hình chữ nhật, trên trang giấy là những dòng chữ, nó là kết quả của quá trình in ấn, đóng sách, phát hành từ một nhà xuất bản. Với Ruxô các ý niệm gợi lên có thể là: cuốn sách có bìa xanh, một cuốn tiểu thuyết… Theo từng trường hợp cụ thể, các hình dung sau khi tiếp nhận ý niệm cuốn sách là khác nhau. Tuy nhiên, theo phổ biến những hình dung này nằm trong giới hạn nhất định. Cuốn sách không thể gợi lên trong ý thức nào đó hình ảnh mặt trời hay là Bắc cực. Cùng những điều kiện khác, con người có thể giao tiếp, thông báo nhau về quan sát, kinh nghiệm, ý tưởng. Nói rộng hơn, con người xây dựng nên văn hóa trên cơ sở hiện tượng.
  Mặt khác, giới hạn của xác định còn những tác động khác như sau: ”Cuốn sách” không thể gợi lên một ý niệm nào khác ngoài những kinh nghiệm ý thức về hiện tượng. Một khi đối tượng vẫn là vật thể cuốn sách nhưng ta có những thông báo khác so với kinh nghiệm, khó khăn lập tức xảy ra. Trong trình bày, ta vẫn phải dùng ngôn ngữ, kinh nghiệm cũ để truyền đạt những nội dung mới. Trong tiếp nhận, các ý thức  sẽ hoạt động thông qua những ý niệm từng có. Như vậy, ý thức hoặc không nó đã bị quy định từ cơ sở. Từ cơ sở bị quy định này, tiếp nhận của nó theo thông lệ sẽ bị ràng buộc theo kinh nghiệm.Dẫn đến điều, ý nghĩa thông báo mất đi trọn vẹn như chính nó.Khi đối tượng là các hiện tượng ý thức, những khó khăn sẽ nảy sinh thêm. Bất kể các trình độ nhận thức, không thể đồng nhất bản thân ý thức với kết quả của nó: ngôn ngữ,ý niệm, văn bản. Ta chỉ thể xác định và so sánh số âm với số dương, con số và chữ nhưng không thể đặt quan hệ giữa những con số và trang giấy. Cũng vậy, ta có thể xác định ngôn ngữ và ý niệm nhưng không thể từ đó suy dẫn đến bản thân ý thức là nguồn gốc toàn thể hiện tượng. Sự trình bày trực tiếp là không thể xảy ra. Ta chỉ thể thông qua những biểu hiện, là kết quả của ý thức để xác định về nó. Việc làm này đã mang tính bất xác. Có thể thấy qua một số trường hợp, các ví dụ được sử dụng như một phương tiện để trình bày. Tuy nhiên bản thân các ví dụ gắn với sự kiện cụ thể, giới hạn. Một khi sự tiếp nhận bị quy định theo giới hạn, dẫn nhận thức đến những sai lệch so với mục đích ví dụ.
  Sau những điều này, ta xác định lại rằng hiện tượng đang là sự kiện giao tiếp qua văn bản giữa người viết và người đọc. Mục đích người viết là trình bày các hiện tượng ý thức. Từ những giới hạn về ngôn ngữ, ý niệm, kể cả ví dụ, cần thiết sự chú tâm, sự thay đổi bản thân cách nghĩ của người đọc. Ta có thể dừng lại để làm sáng tỏ yêu cầu này.
   Ở một trình độ nhất định, nhận thức về thế giới của con người được, và là bị rơi vào khuynh hướng nhất định. Các khuynh hướng này quy sự vật, hiện tượng từ nguồn gốc, cơ cấu, diễn tiến theo một bản thể nào đó là vật chất, ý thức… Ta nhận ra, toàn thể những điều này đều là những ý niệm của ý thức. Căn cứ trên thực tại, khi cá nhân khẳng định bản chất của thế giới, ở đó chỉ là sự bộc lộ của một ý thức: phương diện hữu hình và khuynh hướng của nó. Ngoài những điều ấy, khẳng định chỉ là một hiện tượng vật lý. Ta hình dung tiếng nói cất lên trong im lặng. Xác định của tiếng nói chính là nó, ngoài nó ra không có hiện tượng, thực tại nào tương ứng với nội dung của nó. Tức rằng, nó chỉ có xác định duy nhất về mặt vật lý ở hiện tại. Các xác định tâm lý, siêu hình sẽ được ý thức bên ngoài cung cấp cho nó ở sau đó. Trở lại, một khi ý thức hình thành tính khuynh hướng trong việc tiếp nhận thế giới, kết quả chỉ thể là sự khẳng định theo khuynh hướng. Ta có thể so sánh như trường hợp người mù màu. Từ giới hạn nội tại, anh ta sẽ nhận được thế giới theo những giới hạn ấy. Ở đây có một xác định, nhưng đã mang tính phiến diện bất toàn. Hình ảnh chân thực về thế giới không thể tạo thành. Có thể chỉ tên các khuynh hướng theo ngôn ngữ thường gọi: duy vật, duy tâm, duy lý…Ta nhận ra các thao tác, khả năng ý thức ở đó hơn là thực tại hoặc bản chất nào đó của thế giới. Tựu trung, tương giao người viết, người đọc qua văn bản cần loại trừ những tác động này.
   Vẫn từ cách nghĩ có những biến hình khác nhau như sau. Ý thức không có khuynh hướng cố định, tuy nhiên nó đưa sự vật, hiện tượng về một truyền thống, hệ thống hoặc kiểu mẫu nào đó. Người đang nói đại diện cho giai cấp quý tộc. Đây là một tư tưởng Phật giáo. Đó là một thái độ phủ nhận… Ở đây ta lại cần thiết loại trừ những cách nghĩ trên.
     Ta cũng thể bỏ qua những điều kiện cho việc tiếp nhận trên, trong sự soi sáng cơ cấu hiện tượng. Sự kiện giao tiếp qua văn bản chính là hoạt động của một ý thức, tức người đọc ở thời điểm hiện tại. Ý thức này trực tuyến thực tại, nó là tác giả toàn thể hiện tượng. Tồn tại hữu hình của nó là những ý niệm trong đầu óc “người đọc”. Theo xác định hiện thời của ý thức này, cái gọi người viết, người đọc, sự giao tiếp, cái Ta chính là những ý niệm của nó.Một khi sự đọc vừa xảy ra, ngay lập tức người đọc nhận ra ý thức đang là tác giả hiện tượng. Tiếp đó, ta có thể bỏ qua cái gọi người đọc để xác định chính ý thức đang hoạt động qua những ý niệm. Cái gọi người đọc thực chất là một nội dung bên ngoài do người viết xác định cho nó. Như vậy, tiếp nhận qua văn bản là sự mở rộng của ý thức này. Kết quả mở rộng là trạng thái ý thức nằm ngoài những kinh nghiệm thường nhật. Ý  thức nhận ra chính nó, nếu có thể nói vậy. Để thuận tiện cho việc diễn giải, có thể gọi trạng thái này là siêu nghiệm. Tên gọi có ý nghĩa phân biệt với những kinh nghiệm  còn lại. Cái gọi siêu nghiệm là xác định trên kinh nghiệm. Bản thân trạng thái nằm ngoài mọi tên gọi. Ta chú ý điều này khi các nhận thức chưa thể nghiệm đến trạng thái. Từ những giới hạn kinh nghiệm, nó có khuynh hướng quy chụp, phủ nhận những kinh nghiệm bên trên nó. Như vậy, xác định một trạng thái ý thức không liên quan gì đến ”người đang ý thức”. Xác định này là biểu hiện từ nó. Cũng thể nói rằng, cái Ta đang tự thể lộ. Không thể quy xác định về một nguồn gốc, hoàn cảnh như ý thức thường làm. Tức rằng, những điều kiện không gian, thời gian là nằm dưới xác định. Ta hình dung cả khi nền văn hóa của con người đã chấm dứt, trạng thái ý thức trên vẫn tồn tại độc lập như một hiện tượng vũ trụ. Ở đây ngoặc kép biểu thị việc ta đã sử dụng ngôn ngữ, ý niệm của kinh nghiệm để chỉ về siêu nghiệm. Nói khác đi, cái gọi ”người đang ý thức” là một vọng niệm.
   Xác định tiếp theo rằng, kết quả quan sát từ trạng thái là thực tại, ý thức, thế giới với tự tính và quan hệ giữa chúng. Kết quả quan sát trên tất cả “đối tượng”, vào mọi “thời điểm”  là như nhau. Thế giới hiện tượng với mọi phân biệt, xác định, có thời gian tính chính là kết quả ý thức trong những giới hạn. Những thế giới này đã và đang xảy ra như những sự kiện độc lập với  ý thức bên ngoài, ta không thể phủ nhận tồn tại của chúng. Tuy nhiên, từ những thế giới đó không có sự xác định chân thực về chính nó,và thực tại. Cụ thể,xác định đối tượng như các thực thể: lọ hoa, giá sách, con người. Các thể tính như màu sắc, âm thanh, hình khối. Các quan hệ như gián đoạn, liên tục, sinh diệt, nhân quả, chính phụ…là những giới hạn của ý thức. Những xác định này đảm bảo cho tồn tại và diễn tiến của thế giới hiện tượng, tuy nhiên không thể xem như sự thật,chân lý.Các ngoặc kép biểu thị việc ta đã sử dụng những ý niệm giới hạn, xác định thuộc về thế giới hiện tượng để trỏ về thực tại vô hạn, vô niệm. Một minh họa là đối tượng ảnh sau gương tồn tại cùng tấm gương ấy. Không có tấm gương, tức nhận thức, ảnh sẽ không xuất hiện. Câu hỏi vật trước gương là một câu hỏi gián tiếp khác. Nó hình thành sau khi người xem ảnh, tức hiện tượng đã có thời gian tính. Câu hỏi không
đặt ra một khi tấm gương không tồn tại. Lúc bây giờ, quan sát đã trực tuyến thực tại.
   Trên thực tế có nhiều ý thức giới hạn khác nhau, do vậy, ta nhận được vô số thế giới hiện tượng khác biệt và độc lập lẫn nhau. Trở lại minh họa phòng tối với nhiều nguồn sáng, các ý thức giới hạn là các nguồn sáng duy nhất theo giới hạn  của nó. Siêu nghiệm là trạng thái cả phòng được chiếu sáng. Ta nhận ra ý thức giới hạn tức các nguồn sáng bị che chắn, là trường hợp cá thể của siêu nghiệm. Một ý thức giới hạn nào đó có thể vươn đến trạng thái siêu nghiệm như sự hoàn thiện chính nó.
   Theo phổ biến, các ý thức giới hạn không hay biết gì về chính nó. Cái gọi sự biết trong kinh nghiệm chỉ là việc khẳng định các tiền niệm của ý thức. Sự biết đây là cuốn sách, kia là Ruxô chính là việc ý thức hồi phục các ý niệm cuốn sách, Ruxô trước hiện tượng mà nó là tác giả. Không thể đồng nhất sự biết này với sự biết của ý thức về chính nó. Có thể nhắc lại rằng, bằng kinh nghiệm nền văn hóa, văn minh được xây dựng. Sự biết của ý thức về chính nó chỉ là một sự Thấy. Không thể đưa sự kiện thấy này về các hiện tượng vật lý, tâm lý hoặc xã hội nào đó. Một số trường hợp các ý thức có đặt ra câu hỏi về thế giới hiện tượng: nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa, bản chất… Câu trả lời chính là các triết lý, một số tín điều tôn giáo. Sự phản tỉnh cần thiết này không được giải đáp thỏa đáng. Đây cũng là dạng câu hỏi vật hoặc ảnh trước gương. Một khi ta nhận ra vật, hoặc ảnh xuất hiện theo gương câu hỏi không đặt ra. Chú ý rằng phân biệt  “vật”, “ ảnh”  như kinh nghiệm không phải là sự xác định thực tại và hiện  tượng. Đó chỉ là sự phân biệt hiện tượng này và hiện tượng khác của ý thức. Trên thực tế, ý thức  ngộ nhận rằng ”vật” là thực hơn ”ảnh”. Như ta thấy, đây chỉ là sự cố định và ưu tiên của ý thức cho một trong những đối tượng của nó. Điều này tương tự việc phân biệt tôi và người khác, và ta đã phân tích ngộ nhận ở đó.
  Ta biểu thị một mặt cầu cho toàn thể kinh nghiệm. Chú ý rằng đây là một hình dung, tương ứng cá nhân có toàn thể kinh nghiệm hiện tượng. Kinh nghiệm cá thể là những xác định từng phần trên mặt cầu này. Toàn thể mặt cầu cũng là một xác định và giới hạn. Trên mặt cầu này có phép toán, sự đo đếm cho các khoảng cách, các đại lượng nảy sinh do những xác định từng phần. Tức rằng, các phép toán chỉ thể nảy sinh và thực hiện từ xác định thành phần này đến thành phần khác. Không thể có bất kỳ phép toán khi chỉ có một đại lượng, là hữu hạn hoặc vô cùng.
   Câu hỏi về mặt cầu tương đương khi nhận thức toàn thể thế giới và truy vấn nó. Ta nhận ra, câu hỏi nảy sinh trong một ý thức đã quen với những phép toán giới hạn, từ điểm này sang điểm khác. Nếu như mặt cầu được xác định toàn thể và đồng thời, tức rằng không có từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, lúc này và lúc kia, câu hỏi đương nhiên không được đặt ra.
   Vẫn dừng lại trên thế giới hiện tượng ta có những nhận xét sau. Là kết quả của ý thức, nền văn hóa, văn minh nhân loại có tính giới hạn, tương đối và thời gian tính. Viên gạch không được tạo thành nếu người thợ không hình dung về nó: là chất liệu, hình dáng, kích thước. Sau đó là quá trình sản xuất, việc lắp đặt viên gạch vào vị trí nhất định trên mảng tường. Ở đây trong việc tạo nên viên gạch người thợ có thể không cần biết cấu tạo đất đá, sự sụp đổ công trình sau thời gian nào đó, tức rằng nó trở về đất đá. Lại nữa, nếu ý thức nhận thức toàn thể quá trình và dừng lại ở đó: viên gạch không được sản xuất, công trình không được xây dựng.Tương tự vậy, cái gọi con người không được quan niệm từ nhận thức đến sự tạo thành thực tế nếu không có sự phân biệt: đây là con người, kia là hòn đá. Ở đây có một trình độ nhận thức không thể xem như chân lý, tuy nhiên từ tính tương đối của nó nền văn hóa văn minh mới được xây dựng. Cũng nghĩa rằng ta nhận ra tất yếu trong nền văn minh. Chất liệu và phương thức của nó giới hạn, do vậy, có một giới hạn của toàn thể. Công trình có thời gian nhất định, tức rằng nó sẽ sụp đổ, tiêu hủy, biến mất sau khi tạo thành, xuất hiện. Có thể kể những nhân  tố giới hạn như thời gian tồn tại của những viên gạch, gỗ, sắt. Việc không thể thay đổi vị trí viên gạch trong mảng tường để đặt ở vị trí khác, tức sự giới hạn về phương thức, kết cấu. Cũng vậy, nền văn minh có giới hạn là con người, tức sự cố định ý thức trên một thể xác. Phương thức, kết cấu giới hạn như quan hệ xã hội, các đạo lý, việc thừa nhận các giá trị chung đảm bảo sự ổn định nhất định. Có thể tuyển lựa các sự kiện theo một chiều  hướng nào đó, từ ấy dẫn đến vô hạn, chẳng hạn khoa học kỹ thuật, kinh tế văn hóa…Tuy nhiên nhìn toàn thể là một  giới hạn. Sự thay đổi có thể dẫn đến vô hạn chỉ xảy ra khi đơn vị của nó thay đổi. Nhưng con người trần thế không thể vượt qua giới hạn này.
   Trở lại cái gọi siêu nghiệm trên những xem xét khác. Trong đời sống cá nhân, trước hết siêu nghiệm là một sự kiện của ý thức. Tại đây, sự xác thực cá nhân mất đi, từ những xác định tinh thần, hiện tượng, thể xác cho đến cái gọi là hoàn cảnh xã hội. Có thể nói rằng tập trung ý thức để nhận  ra chính nó là sự định thần. Trong thực tế đời sống, cái  gọi sự định thần này ít được  xảy ra. Ý thức hướng chú ý vào kết quả của chính nó, là những hiện tượng màu sắc, âm thanh ,vật thể, ngôn ngữ, ý niệm… Nhận ra ý thức là phát sinh toàn thể hiện tượng, cùng việc đuổi bắt kết quả cuả nó, có thể xem sự kiện như là một ngụy tín ở mức độ tập thể. Sau siêu nghiệm, đặt trong quan hệ xã hội điều có thể xảy ra là sự hình thành cá thể trở lại. Cá thể tự xác định những nội dung cho nó. Ở  đây ý nghĩa cá thể nằm trên mặt bằng khác với cá nhân trong đời sống xã hội. Đã có sự đồng nhất với tín điều đạo đức hoặc chuẩn mực chung nào đó. Ví dụ rằng đời sống cá nhân nhà hiền triết là đồng thời với tư tưởng đó. Những biểu hiện thường thấy là đời sống ẩn dật, việc khai mở các đạo lý, sáng lập tôn giáo... Nếu như vạch ra một chiều hướng trong nhận thức, những sự kiện này đã là giật  lùi so với siêu nghiệm. Tuy nhiên ta không phủ nhận
các ý nghĩa, giá trị hiện tượng khi đặt trong những quan hệ tương đối của đời sống. Và, hoàn tất những tiến trình nhận thức có thể xảy ra, ta nêu ra sự kiện xuất thần trong khả thể đời sống. Ý thức nhận ra tính toàn thể, liên tục không bị gián đoạn vào các đối tượng riêng lẽ, một khi cái gọi cá thể giải tán. Nói khác đi, nó nhận ra sự có mặt tức thời, không khoảng cách trong bất kỳ đối tượng. Có thể gọi sự cảm ứng tức thời, năng động này của ý thức chính là thần thái. Như vậy, thần thái đang tồn tại nơi bất kỳ cá thể, và vẫn bị khuôn theo những giới hạn ý thức ở đó. Một khi ý thức vượt trên những giới hạn, siêu nghiệm xảy ra, tức thần thái hiển lộ. Cho trường hợp cụ thể, qua hình thức người đọc cái Ta đang thể lộ …

                             Hoài ân,  Tháng Tư, năm 1996




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét