Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

AN PHA VÀ ...-LINH ẢNH

13- ANPHA VÀ …


    …bây giờ là một giờ trưa. Trong khi xúc tiến việc xuất bản hãy còn những thời gian trống. Tập tùy bút do vậy nảy sinh thêm vài trang cuối. Bắt đầu từ mùa hạ, giờ này trời đã sang thu. Những đêm trăng sao và lại nỗi buồn da diết. Về khuya,  tiếng động của phố xá đã lặng hẳn. Chỉ còn tiếng côn trùng …Duyên cớ gì tôi viết ra những dòng này?
   Có vài ý tưởng và quan tâm mới. Việc biểu lộ có thể là tự nhiên trong một sự vận hành. Nếu không viết ra chắc hẳn tôi phải tìm một người đối thoại nào đó.Nói cách khác, viết lách là một lối ra của tâm trí.Tôi sẽ viết một cách tự nhiên như những gì đang có trong đầu óc. Việc làm này là một cách tiết kiệm năng lượng nhất. Lập ra một bố cục, có thể hợp lý và tiện cho việc theo dõi của độc giả nhưng mặt khác nó không cho độc giả chứng kiến trực tiếp một trạng thái tâm trí. Độc giả giả định đang xem những gì ở một hậu trường. Một hình ảnh khác, thức ăn đang trong quá trình nấu nướng….
  Tôi cũng hy vọng rằng khi đến những trang cuối này nỗi buồn sẽ  chuyền hóa hẳn!
   Sự kiện đầu tiên, tôi vẫn rèn luyện thư pháp mỗi ngày.
Tôi đang hướng đến một phong cách nghệ thuật. Trong khi thiền định tôi trông thấy những cái vảy rồng. Tôi không hiểu từ  đâu ra những hình tượng như thế. Và tôi quên đi. Vài ngày sau, trong khi viết, qua một lúc tập trung tôi đột ngột nhận ra đường nét những cái vảy rồng.





Như vậy, khoảnh khắc khi thiền quán, ý thức có thể là đi trước so với hiện thực của giác quan. Những hình ảnh
của thiền quán là nằm trong một tầm sâu của thế giới thực tại. Giác quan thông thường chưa chạm đến tầm sâu này.Nói khác đi, thế giới hiện thực là những trạng thái biểu kiến của một tầng ngầm bên dưới. Sự chạm  đến tầng ngầm này là có thể hay không tùy thuộc vào sự quan tâm và cường độ của ý thức…
   Thay vì tôi đang rèn luyện thư pháp mà như một  thầy thuốc. Khi ấy, đối tượng  sẽ là vài vị thuốc nào đó. Thiền quán sẽ mở ra các đặc tính của dược vật. Không cần thiết phải dùng đến lưỡi tôi vẫn cảm nhận vị ngọt, màu vàng của Ngọc trúc.Sự thiền định đến mức sâu xa, tôi sẽ nghiệm ra công năng của Ngọc trúc. Bổ Âm, tính mát….
    Rồi, ta hãy đi tiếp một đoạn, thay vì vị Ngọc trúc trước mặt, khi ý thức tôi nghĩ đến là có nó!...Điều này mở ra nhiều phương diện. Về phương diện nhận thức ta đạt đến một cái nhìn toàn thể. Ngoại vật Ngọc trúc là ở trong cái tôi đó….
   Trên phương diện khác, thuộc về công năng, ta có thể thay vì khảo sát có tính chất quy nạp mà là trực cảm, trực nhận các đối tượng? Thay cho việc phân tích Quế chi bằng hóa, lý…trong sự thiền quán ta có thể nhận diện màu xanh dương của nó. Sự vận hành của quế chi trong cơ thể? Nói nhanh những điều này, sự cảm nhận như vậy không có ý đồ thay thế các khảo sát khoa học. Nó chỉ là một định hướng nhanh thay cho các thao tác ngoại suy…
  
    Trạng thái tự tại là không có ý nghĩ. Ý thức có đó nhưng nó khộng vận hành theo các thói quen thường lệ.
Đó là sự quán chiếu. Một khi ý thức rơi trở lại các suy



nghĩ thường nhật sẽ có nhiều hiện tượng xảy ra. Một trong những hiện tượng đó là cảm giác về sự cô đơn tuyệt đối. Sự cô đơn này không phải một trạng thái bị bỏ rơi hay không còn ai thân thích. Cái cô đơn của :
   Tiền bất kiến cổ nhân
   Hậu bất kiến lai giả…
   Trong liên hệ với cái Tự tại tôi xin hệ thống một cái nhìn trong khi đọc Krishnamurti.Hình ảnh minh họa là những gì K nói như một tấm lưới. Điều tôi trình bày là sợi chỉ trong tấm lưới đó. Cái Tự tại, Thiêng liêng, Siêu việt hay Vô lượng là có đó. Nó tương tự như bầu trời hay không khí quanh mỗi con người. Nghĩa rằng, bao giờ nó cũng ở đó. Đường đến là sự chấm dứt các ý nghĩ thường nhật. Ý thức còn lại ở đó. Nó là một sự quán chiếu.
   Trong các phương thức quán chiếu việc quán chiếu âm thanh sẽ là phương tiện hữu hiệu. Nói như K đó là việc lắng nghe. Trong sự lắng nghe, não có một khí cụ chống đỡ trước vô số tác nhân bên ngoài. Sự lắng nghe đến mức độ sâu xa là không có âm thanh. Âm thanh, những gì nghe nhận thực ra là một tình trạng dính mắc của giác quan trước đối tượng…
   Trong sự quán chiếu này,mặc nhiên hành giả ở vào trạng thái tự tại. Sự ngự trong trạng thái này, khi tâm trí không bị rơi ra các biên dao động của nó, sẽ là cái tự tại.
   Ở đậy ta triển khai trên vài phương diện để làm rõ thêm cái Tự tại.
   Một trong những vấn đề của triết học là nguyên nhân đầu tiên  của thế giới hiện thực. Đây là một giả đề của nhận thức. Ý niệm nguyên nhân đầu tiên là một ý nghĩ,một sản phẩm của ý thức. Ta hình dung một vòng





tròn khép kín của ý thức. Nguyên nhân đầu tiên là một điểm đánh dấu của ý thức trên vòng tròn đó. Vòng tròn này không có trong tự thể, cái tự tại. Chân lý ở chỗ khi ý thức quán chiếu chính nó. Một trong những hệ quả của quán chiếu là sự tiêu hủy vòng tròn này. Khi đó, cái gọi nguyên nhân đầu tiên sẽ không còn tồn tại.
    Minh họa rằng, cái gọi sáng và chiều là có thực trong một tri nhận nào đó. Tri nhận này là thực trong tính chất cục bộ, giả kiến của ý thức. Nó gắn với một điểm quan sát nào đó. Trước hết đó là tính tương đối.Một quan sát ở Sài gòn định vị là buổi chiều. Cũng trong thời điểm đó,một quan sát ở Cali sẽ là buổi sáng.
  Khi đặt quan sát trong toàn thể, chẳng hạn gắn với mặt trời, các khái niệm sáng và chiều là không tồn tại.
   Một vấn đề khác, là bỏ ngõ như sau: vì sao ý thức lại có tính chất định hình,định xứ? Tại sao tôi không nhìn vào khoảng không trước mắt, mà liên tục rơi xuống hoặc bị bắt dính bởi cái hoa, một khuôn mặt, một tiếng nói?
  Tính chất định vị, vật thể này của ý thức là một trong nhiều khả năng của nó. Tức rằng sẽ có nhiều khả năng khác của ý thức. Ở chỗ khác đó, chẳng hạn các Đức Phật là siêu việt? Tính chất định vị này biểu hiện cấu trúc chung của bộ não con người với những năng lực hạn định của nó?
   Sự định vị này càng bị dính chặt là đồng nghĩa với chậm chạp, quán tính. Điều chắc chắn là trí huệ,sự thông minh chỉ có khi ý thức tự do di chuyển trước vật thể bên ngoài,và sau đó là các vách ngăn ý niệm bên trong nó.
   Sự dính mắc, hay cơ chế định vị này, vốn không phải sự định tâm của hành giả, có thể khắc phục.Điều này là các quá trình tu tập…
  





   Vẫn trong mạch Krisnamurti tôi xin trình bày vài tiếng vọng khác. Có một thị kiến chờn vờn khó nắm bắt mà tôi đang cố gắng thể lộ. Điều này xảy ra trong khi đọc The Ending of Time vào lúc K đối thoại với David Bohm về vũ trụ.
    Thiền quán , hiểu theo nghĩa trầm tư, xem xét một cái gì đó. Trong  trầm tư là một sự soi sáng vào đối tượng.
Sự soi sáng này nằm ở cấp độ bản thể, nguyên ủy. Chẳng hạn tôi đang thiền quán một bông hoa. Không phải việc ý thức của tôi định danh đây là hoa mai, có năm cánh,màu vàng nhạt…Những điều như vậy là ý thức tiếp diễn chính nó một cách máy móc và nông cạn. Trong thiền quán,thoạt tiên là các giác quan của tôi hướng về đối tượng, chỉ thuần là đối tượng. Sự đình chỉ của ý thức với những định danh, phân loại,xếp hạng của nó…Sau  thời gian như vậy, giữa tôi và cái hoa mai đó là một. Những gì là hương hoa,màu sắc , kể cả nhánh lá và gốc rễ của cây mai cũng chính là cái tôi đó. Một trạng thái tương thông.Một sự lơ đễnh, tán tâm của tôi cùng một tác nhân bên ngoài nào đó xâm chiếm trí não của tôi. Ngay lập tức tôi trông thấy những cánh hoa rũ xuống…
   Như vậy, qua sự soi sáng của thiền quán, đối tượng biểu lộ  hiện diện và những khả tính của chúng. Một khi không còn sự phân biệt người thiền quán thì hiện trạng là một  biểu lộ trong tự thể…..Nền tảng của tự thể này là cái không, cái bất tri.Ta hãy xem một bàn tay đang cầm ly trà.Đó là một trạng thái xuất lộ. Việc định vị, Bồ Tùng Linh đang cầm cái ly trà không phải là thực tướng sự việc. Cái đó,chỉ là ý thức của tôi đang tiếp  diễn các hiểu biết từ trước của nó. Nó là một kiến thức đóng kín trong






cái tôi quan sát. Đây là điều mà ta nhầm tưởng là thực tại….Thực tại,chính là tiếp điểm khi ý thức phóng đến và định diện bàn tay đang cầm ly trà. Lúc này, ta đừng hỏi ý thức của ai đó?
   Sự thiền quán không phải một đối tượng mà là nhiều đối tượng cùng lúc là toàn thể, vũ trụ. Nói cách khác,có một vũ trụ đang xuất lộ.
    Rồi thì, ta tiến đến điểm mà K khai thị. Vũ trụ đang trong thiền quán….
   Điều mênh mang này cần nhiều khai phá và lĩnh hội.
   Điều có thể giải trừ  là các hiệu ứng tâm lý. Ta vẫn thường dính mắc trong việc nhìn nhận thiền quán gắn với một cá nhân nào đó. Điều này là không thực như đã trình bày về thói quen, sự tương tục  của ý thức…
   Một đoạn cuối mà chúng ta đi tiếp.Cái tự tại, cái đang là đang biểu thị nó. Là tôi, anh, một cái hoa hay tiếng chim hót.Có thể nói rằng,chúng ta là những biểu thị. Hình dung các cá thể là bọt sóng của những dòng chảy trong đại dương. Nó biểu thị các dòng chảy và là cả đại dương ấy. Tuy nhiên không có sự tương đồng….
   Cá thể K là một hiện tượng. Trong vô số các trạng thái của hiện tượng có trạng thái mà K thể nhập trong cái đang là,cũng tức là vũ trụ. Khi ấy,chúng ta chứng kiến văn cảnh mà K nói: cái đang là nói về cái đang là….

   Ta hãy lùi lại rất xa  trước khi  tiếp tục tiến đến. Một trong những mơ ước thời  thanh xuân của tôi là được viết về một trong hai nguyên mẫu: Đức Phật và Đức Ky tô.Mơ ước này không đến mức độ thôi thúc và tôi đã lãng quên sau đó. Vài dòng cuối này tôi muốn thực hiện  phần ít những ước mơ của mình… Ý tưởng an ủi hiện giờ của tôi là, trong công việc hiện  tại tôi có thể giải tỏa cho một





tiếng thở dài xa xôi nào đó. Tươi sáng hơn, trong khi tôi trầm tư những gì đang hiển hiện trước mặt, sẽ là sự hô ứng cho một màu sắc trong khung vãi. Bởi vì, thế giới là tương thông và diễn dịch….
   Kinh nghiệm về thời điểm giác ngộ của Đức Phật. Trong đêm cuối sau 49 ngày thiền định Đức Phật tuần tự chứng đắc. Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông,…Sự chứng đắc này chỉ ra vô số phương diện. Có một phương diện  ta có thể lĩnh hội đó là tính chất lũy tiến của một quá trình giác ngộ. Ta nhận ra, sự bừng nở tâm trí sau một chặng dài thao tác và đào luyện. Tâm trí vận hành với các gia tốc của nó. Đây không phải là  sự phát triển theo một nhịp điệu đều đặn. Ta hình dung sự nở của những đóa quỳnh. Búp của nó kéo dài trong khoảng thời gian nửa tháng. Hoa nở trong vài giờ và ta nhận ra sự chuyển động mãnh liệt của quá trình này….
   Kinh nghiệm giác ngộ này sẽ tái hiện trong những hành giả khác. Với những cấp độ khác. Chẳng hạn với một hành giả X sẽ dừng ở mức độ thiên nhãn thông…Kinh nghiệm toàn mãn của Đức Phật mở ra vô số phương diện mà hành giả có thể truy tìm, thể nghiệm. Một cái gì đó thuộc về vũ trụ đã xảy ra như vậy? Phải xảy ra như vậy?
   K phỏng đoán sự hình thành tâm trí Đức Phật là phải được tích lũy sau vô số kiếp. Một điều kiện khác, đó là sự tra vấn liên tục của tâm trí….Sự tra vấn này hướng ra nhiều phương diện. Sự tra vấn, cũng tương tự việc lắng nghe, một trong những tác động của nó là nhiếp dẫn những nguồn mạch năng lượng bên ngoài.Nói khác đi, trong hành vi tra vấn, quán chiếu hành giả đang thực hiện một hành vi vũ trụ….
 





     Lời dạy của Đức Phật đã chỉ sẵn những con đường mà hành giả muốn đạt đạo. Vậy thì, tại sao ta cần phải truy tìm những kiến giải và nhận thức mới? Điều này thực đơn giản, trong khi truy tìm ta lặp lại chính con đường mà Đức Phật từng trãi. Nói cách khác,thay vì tiếp nhận một hệ thống tri thức,chúng ta đang thực hiện nó bằng nỗ lực của thân và tâm. Sau một chặng đường ta có thể đạt lại hệ thống tri thức đó, tuy nhiên nó đã như một phương tiện. Nói như vậy là giải trừ tính chất sở tri chướng trong liên quan đến sự việc….Nói khác đi đó là một sự vượt qua liên tục…
   Một hướng quan tâm khác. Anhxtanh nói không phải cảm ơn nhà bác học mà hãy cảm ơn Đức Phật. Nghĩa rằng, tất cả đã có từ tam tạng kinh điển. Tuy nhiên, con đường nào dẫn đến Anhxtanh và thuyết tương đối? Ta chứng kiến một vườn hoa,nơi phát tích, và một cành hoa cắm trên bàn. Đã xảy ra những vận hành và thao tác nào mà cành  hoa đó có ở trên bàn? Làm thế nào một phật tử, hoặc một học giả Phật giáo khác có thể tìm ra những lý thuyết tương đối khác? Thay vì việc dừng ở các chú giải kinh điển và thực hành đạo hạnh? Nói như vậy,không hàm nghĩa bất kỳ sự phê phán nào. Chỉ là việc ta có thể khai triển, làm phong phú và sinh động cho một tàng kinh các?
  

…Cá nhân là những tảng băng trên một dòng sông. Phần chìm của tảng băng là những gì cấu trúc và quy định sự hiện hành của nó. Chú ý rằng đây là một hình ảnh so sánh tương đối. Tảng băng này nằm trong những tác động khác, nắng, gió, các va chạm…Quan hệ xã hội của





hai người trong sâu xa là sự tương tác của cả phầm chìm bên dưới. Những khí chất cá nhân,sự di truyền của dòng tộc, phong tục xứ sở…Cá nhân có thể giao tiếp thuần trên bề nổi của nó, nếu như là những người khách qua đường. Hoặc nữa sẽ là sự va chạm,tương tác của cả phần chìm bên dưới. Tôi đang có một đối tác là người Nhật. Quan hệ của tôi và người đó sẽ là tương tác của truyền thống võ sĩ đạo và một cái gì là “ thuần Việt”.Nó đang xảy ra trong cuộc nói chuyện mặc dầu cả hai không đề cập đến. Sự tương tác này dẫn ra nhiều vấn đề….
   Sự đồng thuận, đồng cảm có thể là điều cả hai mong muốn. Như vậy, tôi phải tính đến cả phầm chìm bên dưới. Trong phạm vi hẹp, tình trạng lý tưởng, nếu như cả hai không tiềm ẩn một tay chuyên chế, sẽ là sự tan băng của cả hai. Khi đó chỉ thuần là một dòng nước…
   Cần chú ý rằng những nhận xét này chỉ có tính tương đối khi hướng về xã hội. Một nền văn hóa tương lai, nếu thực là văn hóa phải hướng đến việc giảm thiểu các khác biệt. Tức sự làm tan băng…
   Văn hóa là cần thiết, kể cả mức độ bức xúc của nó. Những đường biên, là phong tục, ngôn ngữ cần phải mở rộng dần. Lịch sữ trong các phương chiều vận hành của nó, có một phương chiều như thế. Một thế giới hòa đồng chỉ thể tiến đến khi những bước tiến đầu tiên của nó, chỗ đứng dầu tiên của nó không bị kết dính quá sâu vào những gì là bản địa. Điều này không phải là sự chối từ. Chỉ là việc đi sâu vào các cấu trúc nguyên thủy. Sự duy nhất về bản địa. Bản địa ấy là tinh thần trong vô số ràng buộc và dính mắc của nó….

  




    Từ những duyên cớ nào đó,thật diễm hạnh cho người viết, bạn đọc đang cầm tập tùy bút này trên tay. Như một buổi trà đạo chúng ta sắp chia tay một cuộc hội ngộ.Tôi đã nói quá nhiều hay nói như vậy là chưa đủ. Tính chất sơ lược của diển giải? Những bố cục xộc xệch và tùy tiện?...Những thông tin,mà tôi xem như là các dữ kiện tinh thần cho một quá trình xem xét  của bạn, đã trình ra quá ít ỏi? Hoặc thừa đi như một nhánh lá rườm rà?
   …Rikel trong Những lá thư gửi cho người thi sĩ trẻ tuổi có viết, tác giả có thể nói như vậy vì đã từng lê lết trong đời sống. Im so so…Chàng ta, sau bao nhiêu mưa nắng vẫn giữ lại một ít nét thanh tú trong cái nhìn.  Tâm hồn thì vẫn còn phảng phất chút hương vị thanh xuân. Một đôi lúc thất vọng quá, trong mơ tôi lại nghe ai đó nhắc. Hãy yêu đời và thấy cuộc sống tươi sáng…Lời nhắc từ thinh không mà tôi đã nhận, cùng với đó là sự chuyển hóa tâm trí. Tôi đang thực hiện một hành vi hồi hướng về cuộc đời,về phía bạn….
  
   Giờ lại một đêm thu. Vài ngày trước đây,  có một giấc mơ mà tôi hãy còn ngẫm nghĩ. Tôi đangở trong một căn phòng hẹp. Bên ngoài là những bóng đen đang định tiến vào. Tôi cảm giác về  tình trạng nguy hiểm sắp ập đến. Tôi cố gắng lùi về một bức tường của căn phòng. Ở đó có một khung cửa sổ. Bên ngoài khung cửa là  vùng sáng  xanh. Tôi nghĩ rằng việc vượt thoát qua khung cửa sẽ là giải thoát. Đột nhiên một khúc nhạc nổi lên. Đó là tiếng đàn tam thập lục.Tôi cảm giác người chơi là một cô gái…Khúc nhạc kéo dài chừng vài phút và theo một tiết tấu hơi nhanh. Trong mơ tôi nhận ra khúc nhạc chơi ở cung trưởng và cả những bồi  âm của nó. Tâm trí tôi đột nhiên thay đổi sau khi nghe đoạn nhạc. Tôi nghĩ đến những quan hệ, trách nhiệm…
  



   Tôi thức giấc.Nếu như có khả năng ký âm tôi sẽ ghi lại đoạn nhạc đó.Lúc ấy là ba giờ sáng….Khúc nhạc này từ đâu mà có? Một hình ảnh trong mơ ta có thể cho là ảo giác, tuy nhiên đây là khúc nhạc trọn vẹn. Căn nguyên khúc nhạc là một bí ẩn. Trong khi nó quá là hiện thực.
  Những quan tâm của tôi hướng về người khác, những người khác…
   Một phương diện của giấc mơ. Sự hòa hợp của âm nhạc là tuyệt hảo trong những gì giác quan có thể tri nhận. Sự hòa hợp mà tôi, hay  người đọc giả định đang tìm kiếm là  quà tặng của cuộc đời sau những nỗ lực, mệt nhoài.  Là một sự ngẫu nhiên tựa như ta được nghe tiếng gió réo qua những tàn dương, tiếng lòng Schubert đang thể lộ trong khúc nhạc chiều?
   Sự trỗi dậy của khúc nhạc ngay tức khắc trong giấc mơ làm tôi nghĩ về những gì là hô ứng, nhiệm mầu…

                                                            Ngày 29/10/2009




  
  
  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét