Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

TƯ TƯỞNG ( 2)- CÕI Ý

2- TƯ TƯỞNG( 2)


   Ta cũng nhận ra qua việc xem xét ý niệm sự hình thành tư tưởng. Tư tưởng chính là việc ý thức diễn dịch nó qua một số ý niệm. Quả cam màu vàng, năng lượng trong tự nhiên là bảo toàn, tôi là người vô thần… là những ví dụ. Hình dung ý niệm là những viên gạch, vôi vữa, tư tưởng là mảng tường đã được xây dựng. Và có thể nói là cả công trình đồ sộ đã hoàn thành. Ta thấy ngay rằng, không thể có tư tưởng nếu không có ý niệm. Với chỉ một ý niệm tư tưởng cũng không được thiết lập ở đó. Hoạt động của ý thức trước hiện tượng nhưng không có bất kỳ ý niệm là một quan sát, tức sự Thấy. Ta lưu ý điều này cho những xem xét riêng biệt về nó. Tư tưởng không thể nảy sinh nếu không có ý niệm. Ngược lại, có những ý niệm nhưng tư tưởng chưa thành lập tại đó. Đây là dạng tồn tại ý niệm ở  dạng ký ức của ý thức. Chính khu vực ký ức này quyết định tư tưởng, tồn tại và những giới hạn của nó. Trước cùng hiện tượng, ở ý thức này có thể là tư tưởng đơn giản: đây là một con người. Ở một ý thức khác: đây là một tín đồ Thiên Chúa với thánh giá đeo trước ngực.Thánh giá tượng trưng cây thập tự Ky tô bị đóng đinh trên đó hai ngàn năm trước. Ky tô là nhân vật lịch sử, tuy nhiên qua tín ngưỡng đã trở thành huyền thoại. Với một ý thức khác nữa: đây là bức tranh theo trường phái Ấn tượng, căn cứ các tỷ lệ đã thay đổi. Tác giả bức tranh là một người quen. Tự thể hiện tượng là gì, ta chưa xem xét điều này mà chỉ theo dõi tư tưởng đã nảy sinh như thế nào. Ta thấy qua các trường hợp, không thể có sự nảy sinh tư tưởng trực tiếp trước hiện tượng. Nếu như điều ấy xảy ra, bất kể mọi ý thức, tư tưởng trước hiện tượng sẽ là duy nhất. Các tư tưởng khác nhau này được nảy sinh theo ký ức, tức số ý niệm mà ký ức có được. Nếu như ở ý thức chưa từng có ý niệm trường phái Ấn tượng, hiển nhiên, tư tưởng ở đó không thể là một nhận xét về phong cách nghệ thuật. Cũng vậy, so sánh Ky tô là nhân vật lịch sử hay huyền thoại chỉ xảy ra khi ở đó có hiểu biết lịch sử và tôn giáo.
   Cũng từ việc không có nảy sinh trực tiếp tư tưởng trước hiện tượng, ta nhận ra sự tự do, hoặc tùy tiện của ý thức trước hiện tượng. Tức rằng, thay cho việc xác định đây là con người có thể xác định như một hình vẽ, vẫn cùng  ý thức đó. Khả năng nảy sinh nhiều tư tưởng, một lần nữa, phụ thuộc vào số ý niệm mà ý thức từng có. Tức rằng, có sự tự do của ý thức trước các ý niệm. Mức tự do này lập tức bị giới hạn, và cố định theo tư tưởng nảy sinh tại đó. Không thể có đồng thời hai tư tưởng trong cùng ý thức trên một thời điểm. Nói khác rằng, tư tưởng cũng chính là vật hóa ý thức, đi đến cố định và giới hạn theo ý niệm nào đó.
   Ta cũng nhận thấy, tiến trình tư tưởng lập thời gian cho hiện tượng. Sự xác định thoáng chốc: đây là con người, và chấm dứt ở đó, là chưa có thời gian tạo thành. Trên thông lệ, ý thức xác định rằng con người này sinh năm… Anh ta học trường Lômônôxốp. Hiện anh ta làm việc tại viện Cơ học, chẳng hạn… Sự hồi phục những ý niệm của ý thức theo một khuôn mẫu, chiều hướng nhất định lập ra tư tưởng nào đó của chính nó. Nó lại ngộ nhận có một tiểu sử thực của đối tượng, là con người, một cái cây, một chu trình tự nhiên… Ngộ nhận nghiêm trọng hơn, một khi hiện tượng không còn phù hợp với ý niệm cố định, ý thức khẳng định hiện tượng đã là tiêu hủy, biến mất, không còn tồn tại. Cũng như thế là những tư tưởng theo kiểu: người này sống sáu mươi tuổi, nước đông kết qua đêm, phản ứng xảy ra sau bốn tiếng đồng hồ… Ta nhận ra, những tư tưởng trên không khác gì sự vật hóa ý thức theo những chiều hướng khác nhau. Xác minh rằng, cái gọi thời gian chính là  tiến trình ý thức, cố định bởi một ý niệm của nó, qua đó xâu chuỗi những ý niệm khác. Cái gọi đời sống cá nhân không thể xảy ra nếu như không cố định ý niệm cá nhân đó. Chẳng hạn, ta được một tổng hợp đại loại: người này là đàn ông, đây là bộ lễ phục, sự quan sát của mắt… Sự hợp lý theo ý thức kinh nghiệm trong trường hợp này là: tôi trông thấy một người đàn ông mặc lễ phục. Câu hỏi đặt ra: sự hợp lý này dựa trên cơ sở nào? Ta cũng chú ý qua phần này, giống như việc xác định ý niệm, tư tưởng không được gắn kết với cá nhân, hoặc quy về nguồn gốc nhất định. Thực chất điều này là sự vật hóa của ý thức. Sau khi thiết lập tư tưởng qua một số ý niệm, ý thức quy kết nó với một ý niệm khác, tức tôi tư tưởng. Tôi đã nghĩ thế. Lại có ngộ nhận lớn hơn thế, cá nhân khẳng định nó qua việc suy nghĩ: Tôi tư duy tức tôi tồn tại. Ở đây mệnh đề được rút ngắn: Tư duy.
   Ta trở lại, vô hình ý niệm cũng chính là vô hình tư tưởng. Chỉ ra một sự kiện như hình thể tư tưởng là điều vô nghĩa. Đó chỉ là việc ý thức hồi phục một tiền niệm trước một hiện tượng giới hạn từ nó. Cũng thể nói, hữu hình của ý niệm, tư tưởng chính là sự hữu hình của ý thức. Khi ấy, còn ở trong suy nghĩ, hoặc được phát ra thành lời, chữ viết, đó là sự ngưng kết của ý thức. Bỡi lẽ, có thể có ý thức nhưng không có bất kỳ ý niệm, tư tưởng hình thành, quyết định sự quan sát, vận động của nó.
   Tiếp tục, một khi tư tưởng nảy sinh, không thể có tác động bên ngoài quyết định sự dừng lại, hoặc quy định chiều hướng phát triển cho nó. Đơn giản rằng, ta không thể quyết định ý thức suy nghĩ cái gì, như thế nào. Sự áp đặt như thế là truyền đi một thân xác của ý thức này đến ý thức khác. Nó trở nên sống động, hoặc như một tài liệu  tùy thuộc vào ý thức đang tiếp nhận nó.
   Đến đây, ta xem xét cái gọi mâu thuẫn giữa các tư tưởng như thế nào? Mâu thuẫn nảy sinh khi có ít nhất hai tư tưởng
khác biệt trên cùng đối tượng, sự kiện. Quả cam màu vàng, Trái táo ngọt. Hai tư tưởng này không có bất kỳ mâu thuẫn. Mâu thuẫn theo ngộ nhận sẽ nảy sinh theo kiểu: trái táo chua, trái táo ngọt. Vật chất quyết định ý thức. Ý thức quyết định vật chất… Trước hết, ta ghi nhận rằng mâu thuẫn chỉ thể nảy sinh giữa hai tư tưởng khi nó chung một số ý niệm nào đó. Chẳng hạn là trái táo,vật chất, ý thức. Sau đó, nó quy đồng về một bản thể, tự tính của hiện tượng để khẳng định tư tưởng này là phù hợp, tư tưởng kia là không.
   Một khi cái gọi bản thể, tự tính là chưa từng tồn tại. Các tư tưởng không thể đưa về một cơ sở nào đó để so sánh. Nó sẽ nằm bên nhau không qua tiếp xúc nào khác. Như vậy mâu thuẫn nảy sinh bằng cách nào? Vào lúc nào?
   Dẫn đến trường hợp còn lại, hai tư tưởng biết đến nhau. Ý thức này biết đến tư tưởng của ý thức kia qua biểu lộ bằng lời, hoặc chữ viết. Chẳng hạn tư tưởng vị kỷ và tư tưởng khắc kỷ. Ta nhận ra, ý thức vị kỷ biết đến tư tưởng khắc kỷ sau sự hoàn thành tư tưởng vị kỷ ớ chính nó. Trong lúc tiếp nhận tư tưởng khắc kỷ không thể nảy sinh tư tưởng nào khác. Như vậy, thực chất mâu thuẫn tư tưởng chỉ thể có trong một ý thức với những tư tưởng khác nhau của nó.
   Tiếp đó ta nhận ra không có bất kỳ mâu thuẫn qua xem xét sự hình thành tư tưởng. Hai tư tưởng trong một ý thức  thực chất đã là một tư tưởng. Theo nghĩa tư tưởng là sự vận động của ý thức từ ý niệm này đến ý niệm khác. Cũng tương  tự sau khi xong mảng tường này người thợ xây dựng tiếp mảng tường khác. Như vậy, có một mảng tường chung đã xây dựng. Mâu thuẫn, phủ nhận tư tưởng này đến tư tưởng khác như người thợ đó đập phá mảng tường vừa xây để xây dựng mảng tường khác tại đó. Tuy nhiên điều này không xảy ra theo sự hoàn thành của tư tưởng trước.
   Đến đây có thể khẳng định không có bất kỳ mâu thuẩn trong cả hai trường hợp. Hai tư tưởng là đồng thời, tức nằm trong hai ý thức khác nhau. Trường hợp kia, hai tư tưởng là kế tục trong cùng ý thức. Ta đang nhận được một ý thức bất động trước các tư tưởng của nó. Từ sự bất động này, ý thức
nhận ra nó là một cái khác, độc lập với các tư tưởng mà nó theo dõi. Có ngộ nhận là sự đồng nhất ý thức và tư tưởng của nó. Như từng nhắc đến điều này, cũng là sự  “vật hóa”  ý thức. Nó dẫn đến những giới hạn, xung đột và hủy diệt. Cả thảy là những ngộ nhận nếu như đặt một quan sát ở đó. Cái ngược lại của “vật hóa” chính là “thoát xác”.
   Cũng như từ xem xét trên, về tương giao của hai hay nhiều tư tưởng. Ta nhận ra xác định đúng, sai, chân lý của tư tưởng đều là vô nghĩa. Điều đó xảy ra khi có tư tưởng về một tư tưởng đã hoàn thành. Xác định đúng, sai là sự kế tục tư tưởng trong một ý thức. Bởi lẽ trước khi đưa ra kết luận ý thức sẽ tư tưởng tiếp về tư tưởng. Ta được một tư tưởng mới chứa đựng tư tưởng ban đầu nhưng không có quan hệ thừa nhận, phủ nhận bất kỳ. Chân lý, sự đúng sai chỉ là một ý niệm của ý thức xướng lên theo ngộ nhận từ nó.
   Dẫn đến điều, nhìn nhận “ khách quan” về tư tưởng là nó đã hoặc đang xảy ra. Ngoài đó ra không thể có kết luận, nhận xét khác nào về nó. Trường hợp tư tưởng đã xảy ra, được lưu lại ở chữ viết, trong sự đọc ý thức đang thiết lập tư tưởng đó. Dĩ nhiên, các ý niệm cũ và mới chỉ cho tư tưởng cũng là vô nghĩa  trong trường hợp này. Bởi lẽ, trước sự đọc đó ý thức chưa từng kinh nghiệm tư tưởng. Trong sự đọc, tư tưởng xảy ra. Như vậy, ta sẽ so sánh nó với cái gì?
   Trường hợp tư tưởng đang xảy ra, được nói thành lời ngay trong tiến trình suy nghĩ. Với sự chú tâm, tức ý thức “khách quan” trước khi theo dõi không có bất kỳ hoạt động tư tưởng nào  khác, tính chất  “khách quan”  này đã mất đi. Có thể nói, ở đó chỉ có một tư tưởng. Diễn đạt theo những ý niệm của ngộ nhận “người này” và “người kia” là một trong  sự kiện tư tưởng đó. Ta nhớ lại trường hợp viên gạch và những mảng tường xây chứa trong nó. Ngộ nhận là có hai mảng tường do hai ý niệm phân biệt “này” và “kia”. Dĩ nhiên, sự hợp nhất là một đã nảy sinh do phân biệt này.
   Kết thúc phần xem xét, có những nhận xét sau. Với cùng số ý niệm, hai ý thức khác nhau có tư tưởng khác nhau trước cùng hiện tượng. Ta sử dụng theo những ý niệm của ngộ nhận, hiện tượng là một “bông hoa” chẳng hạn. “Người này” nghĩ đến một bài thơ. “Người kia” là những quan tâm về giá trị kinh tế. Ở người khác nữa là việc vò nát. Tư tưởng không nảy sinh ở trường hợp sau cùng. Cũng thể nói rằng không có thế giới nào thành lập ở đó, tức sự vắng lặng. Ở hai trường hợp đầu, đều có những tư tưởng thành lập. Cách nghĩ nhắm đến việc tái hiện qua thơ ca, cùng với  đó cách nghĩ nhắm đến việc trao đổi. Sự lặp lại cách nghĩ này trước những hiện tượng khác, trở thành sự ổn định tương đối của ý thức. Tức rằng, ý thức đang tạo ra những con đường mòn cho nó. Biểu trưng ra, nó xác định người này như một thi sĩ, người kia như một thương gia. Lưu ý rằng, những ý niệm này là có sau và là sự “vật hóa” ý thức ở đó. Xác định thi sĩ, thương gia nằm ở một ý thức khác nữa tư tưởng về hiện tượng. Nếu tách ly cả hai ý thức này, ở đó vẫn  là sự vắng lặng. Ta lưu ý điều này cho những xác minh và triển khai phần kế tiếp.
   Một nhận xét khác, bản thân cách nghĩ, tức chiều hướng vận động của ý thức cũng không là nảy sinh trực tiếp trước hiện tượng. Cũng không thể chỉ ra cái gọi nguyên lý, quy luật ẩn sau hiện tượng, quy định cách suy nghĩ. Ở đây là sự tập truyền kiểu khác, tức phương thức suy nghĩ. Cùng sự “vật hóa” vào những ý niệm, ý thức đang khuôn nó vào những cách suy nghĩ quen thuộc này. Dĩ nhiên ta cũng không nói ra điều ấy đúng hay sai ngoài nhận xét về những giới hạn. Từ vô xứ, vô hình đến hữu xứ hữu hình, có thể nói vậy.


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét