Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

QUÊ HƯƠNG- LINH ẢNH

  8-QUÊ HƯƠNG
  

 Nhật mộ hương quan hà xứ thị
 Yên ba giang thượng sử nhân sầu 
     Thôi Hiệu
Quê hương khuất bóng hòang hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
                                                Tản Đà

 Khuất nẻo quê hương chiều lịm tắc
 Sông mờ khói sóng chạnh niềm đau
                                     Đinh Vũ Ngọc
   Cả hai bản dịch không tương đồng cùng nguyên tác.Trong cái nhìn dịch đã là sáng tạo. Sự dịch thóat không cho độc giả tiếp cận nguyên bản. Mặt khác lại  là một đóng góp cho nhiều người.  Trong cái nhìn chung, ta có hai văn bản thay vì trung thành trong một nguyên bản. Tôi thích chữ  lịm tắc trong bản dịch của Đinh Vũ Ngọc…Quả thực có một cái gì đó lịm tắc!
   Tôi ở trong một thung lũng miền Trung. Nhìn quanh là những dãi núi chập chùng. Núi làm thành một vòng tròn đóng kín…. Tôi không rõ núi non đã phong tỏa cái nhìn  người khác như thế nào.  Trong giới hạn không gian như thế, riêng chàng ta đã chọn lối hướng thẳng lên trên. Bầu trời thì nhìn từ nơi nào cũng vậy!
    Tuy nhiên, sự giới hạn là sự tồn tại và định vị.Theo phong thủy, núi non tạo ra sự ngăn  trở nào đó.Mặt khác, 







bản thân núi non là một sức mạnh, năng lượng tiềm ẩn. Bao nhiêu dãy núi thay vì chướng ngại sẽ là những nguồn mạch năng lượng! Ta hình dung khi cá nhân hấp thu trong mình sức  mạnh những dãi núi ấy! 
   Thi thỏang vào những ngày hè tôi cùng vài người khác lên núi hái sim. Nhìn từ trên xuống, thung lũng với những cánh đồng rải rác. Làng xóm thấp thóang trong các khu vườn xanh. Con sông đôi chỗ ẩn  hiện sau vài khúc quanh co hắt lên trời những   ánh bạc lấp lánh. Vài con bò vàng nằm trên bãi cát của trẻ mục đồng cho bò tắm vào buổi chiều…   Khói lam uốn lượn từ những mái nhà. Làng quê bao giờ cũng gợi ra sự thanh bình và lắng đọng…
   Một khí chất nào đó, tôi chợt phát hiện, những gì nguyên sơ cũng làm tôi xúc động và đồng cảm. Triền núi đá, bụi hoa lau và những con chim vụt bay…Thỏa mãn nhất là khi quan sát những dải mây bao giờ  cũng đẹp trong chuyển động thiên hình vạn trạng.
    Ở vài chỗ dọc bãi sông,  tình cờ tôi phát hiện khi lấy cát vào những ngày cuối năm.Nhìn ra địa phận có một vẻ đẹp như tranh thủy mạc. Con sông uốn lượn và những doi cát. Xa nhất là một vài ngọn núi vươn thẳng lên trời. Khi ấy, những ngày đầu xuân trời lại xanh ngát …Cảnh tượng  làm người ta chìm đắm trong một sự cảm thông nào đó.
  Tôi nghĩ rằng, tâm trí  mình sẽ thiếu đi một nữa nếu như không có con sông. Những gì  đặc  sắc của  nó cũng như bao con sông khác…Ám ảnh nhất là khi vào mùa khô sự cạn kiệt. Đôi chỗ, dòng sông thu hẹp lại chỉ còn vài mét…Mùa đông đến. Nó gầm rú bất tận suốt những ngày






liền, dâng trào ra các doi bãi và lao thẳng xuống hướng về phía biển. Đôi khi  ta có những cái rất tự hào mà bỏ qua không quan tâm đến…
    Nhưng mà, chàng ta hãy còn là một cậu bé….Thi thỏang những buổi chiều cậu bé ra sông, nằm trên bãi cát. Chỉ một mình. Trên bãi cát nhìn lên trời và mơ màng…Những gì? Tôi chẳng còn nhớ rõ…May, và chẳng may mà tôi chẳng còn nhớ rõ nên giờ này tôi còn viết những dòng này. Nếu không đã phải lao ra đường phố trong một  apphe kinh tế nào đó!...
    Mùa xuân là những gì đep nhất mà dòng sông mang lại…Trên các doi bãi, cỏ non xanh dịu mà bàng bạc vì sương hãy chưa tan.Những vạt nắng đầu ngày trãi một lớp vàng non qua  bóng râm của các tán dừa  đan bện vào nhau…Và trên bờ sông là những cây sung già khô héo đã đâm ra vô số chồi non xanh. Đẹp như mộng ….
   Có rất nhiều ca khúc viết về dòng sông và hầu như ca khúc nào cũng hay. Đôi khi tôi  nhận ra những nhọc nhằn của một dòng sông, sự cạn kiệt của nó…Một cảm giác thương mến và thán phục  khi tôi viết những dòng này huớng về con sông… Một  truyện ngắn Nhật bản có  nhan đề là Dòng sông nhẫn nhục… Kim sơn, tên con sông có những gì như vậy! Nhưng như vậy chưa đủ. Sự
quật cường trong mùa lũ qua những con nước dâng trào là điều ta phải học hỏi…
    Một hình ảnh khác là những cái bờ xe đã mất dần…
    Ấn tượng khác là những hồ sen. Nó gắn liền một thú vui của tôi vào mùa  hè. Khi những hồ sen  trổ  ta có thể ra ngòai đó chiêm ngưỡng. Những đóa sen hồng tô điểm trên một cái hồ xanh và vàng úa của lá…Lại gần là






những cánh sen nũng nịu rũ xuống… Hương sen ngan ngát trên mặt hồ và lan tỏa trên cánh đồng. Nắng đã nhạt dần và một đêm trăng sao mùa hè lại đến …Ta có thể xin chủ hồ vài cái mang về cắm ở bình…
  
   Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu
   Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung…

  Gặp anh muốn nói đôi lời
  Cuối đầu cười thẹn trâm rơi xuống hồ.
  
   Những lần hái sen như vậy tôi không có diễm phúc như trong thơ Bạch Cư Dị…Tuy nhiên, khi cái hồ sen trong tâm tưởng nở ra, điều ấy! Maria! Tôi cầu mong là hiện thực…
   Vài người bạn khác là những cánh đồng. Thanh khiết là khi vào những ngày lúa còn mạ.Một màu xanh phơn phớt trãi dài trên các đám ruộng.Xa xa là  hàng dừa, hàng cau và những  ngọn đồi nhỏ. Những bầy cò nhịp nhàng vỗ cánh bay từ  phía núi về hướng sông. Ở đó là  lùm tre đêm và ngày xào xạc.Những gì thanh bình và tịnh khiết trở lại….Cảnh quan này thường là vào những ngày đầu xuân. Trời đất trong và núi xa xanh sẫm lại…Năm kia có một ngày trong vắt như thế.Tôi phải cảm thán, kêu gọi vài người khác cùng chia xẻ…
   Đột ngột, tôi nhận  ra  cái quanh quẩn của thi sĩ Basô bên hồ.Một đêm trăng sáng, thi sĩ trong tâm trạng nào đó quanh quẩn bên một cái hồ. Có những cảnh tượng là ta không thể bức ra được và thế là quanh quẩn. Quanh quẩn







cũng là vì không thể thêm vào gì bởi vì ngọai vật không cần nữa. Lấy cái gì bởi vì ngọai vật thì không thể lấy. Đâu thể lấy một trái núi mặc dầu nó đẹp!
   Sau cùng ta nhận ra mình chính là hiện trạng,hiện tiền, phong cảnh…Cái cá nhân thì như một hơi thở. Một sự di động. Muốn hoặc không, nó cũng làm xao xác một ít trong tòan cảnh…
   Tha thiết khi cánh đồng đã gặt  hái. Chỉ còn những đống rạ và  đám khói đốt cuộn lên mờ mịt…
   
    Gié thơm ai đã gặt rồi
    Đồng quang  bóng mẹ nắng nôi một mình…

   Tâm  giao của tôi trên quê hương là một loại  trà. Trà được trồng trên một gò tên là Gò loi…Cũng giống trà  nhưng trồng trên các vùng đồi khác thì không có sự đặc sắc như tại Gò loi. Trà uống vào có vị chát   rất nhẹ, Tựa như vài nếp nhăn nhỏ trên một tấm lụa. Sau đó là vị ngọt thấm sâu trong khẩu vị. Màu trà pha lẫn giữa xanh và vàng…
     Tôi vừa đọc qua cuốn Trà  Kinh và chấp nhận sự sơ sài khi viết những dòng này. Để nói về một lọai trà ta phải nói về đất, trời ở nơi cây trà sinh trưởng. Tâm giao của tôi xuất xứ từ đất sét pha cát có màu vàng nghệ. Còn trời thì chắc rằng nơi nào cùng biền biệt như vậy. Cuộc giao hợp này  có thể là cái ánh vàng pha xanh trong các cái chén sứ…Nó đạt đến sự lung linh!
  Quê hương là…
  Tháng Chạp với những ngày se lạnh. Khi nắng lên là cảm giác rạo rực và trong sáng. Dường như nắng tan chảy qua người. Trên con đường là những con người





thưa thớt qua lại đang nói về chuyện Tết. Những bó củ kiệu xuất hiện khắp nơi. Rồi thì, những chiếc xe chở hoa, chở nắng chậm rãi trôi qua con đường.Tiếng chim từ những khu vườn mơ màng và  trong trẻo. Trong nắng và một ít sương còn phảng phất tôi lặt lá mai. Công việc này mất chừng hai, ba ngày.Những hàng xóm qua thăm và bình phẩm. Cắt nhành bên này. Nâng lên nhánh bên kia…
   Khi những cây mai trơ trụi lá, một vẻ đẹp đặc biệt là  đã  thấy mùa xuân thêm gần gũi…Hứa hẹn bao nhiêu  hoa và hương ngây  ngất…Những con ngừơi đi chúc tết chếnh chóang trên đường sau bao ly rượu. Dòng trẻ con đi qua…Mồng một tôi phải đến nhà…mồng hai tôi phải đến nhà…Nếu mà vắng mặt, hãy xem chừng các trưởng lão lên tiếng…
   Rồi thì tất cả được hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ cuốn vào trong một hòa sắc tươi tắn mà đầy  đặn. Cùng với đó là những làn hương dâng lên từ những bàn  thờ đêm qua đêm, ngày nối  ngày…
  Cơn mưa phùn đầu xuân phong ta vào những cái  bàn trà.Mưa bay lất phất ngòai song cửa. Chìm đắm trong một ý nghĩ hay ra ngòai đều đẹp dẽ như nhau…
   Nhưng mà mùa thu đến…. Một nhịp điệu khác chậm rãi và ngưng đọng. Ấn tượng là có những ngày bầu trời xanh và dường như cao thêm mãi.Thường trực là mây dâng lên  từ các hướng. Cuộc viễn du của bầu trời làm ta khắc khỏai. Có một cái gì phải là kết tụ lại?..Tất  cả chỉ là lữ thứ? Xê dịch và lang thang? … Rồi thì giọt mưa trên mái đã liên tục nhỏ xuống.Bụi nước nhỏ. Có bao âm  thanh buồn khi gần khi xa và xao xác. Những tiếng lật






sách sột sọat rất khẽ qua đêm…Bóng người trên tường trầm lặng…Tôi nghĩ hay chiếc bóng kia suy nghĩ. Có khác gì đâu?
    Sáng mai, tôi phải tìm một màu sắc, một loại hoa trong vườn để xoa dịu một điều chi âu sầu và khắc khỏai. Chỉ còn lại cây hoa hồng phấn nở quanh năm.Những cánh hoa nhạt và dịu dàng ngõ lời rằng bao giờ cũng là cái đẹp, bao giờ cũng là sự an ủi. Giai thọai rằng, một người mẹ trong khi chăm sóc hay hy sinh cho con đã dùng đến những giọt máu. Cái chết hóa kiếp thành hoa hồng phấn. Những màu sắc đỏ rực rỡ đã lùi lại và tiết giảm…
   Bây giờ, tôi nói về những nguời kiến tạo cái tôi lúc bây giờ trên vài phương diện nào đó…Người thầy mà tôi còn nhờ mãi đó là thầy P. Khi đó tôi là một học sinh tiểu học được biết như một học sinh thích Văn. Thầy P, một người không trực tiếp dạy đã gặp tôi và truyền thụ
những niềm  yêu thích văn chương thông qua những vẻ đẹp. Điều hơn hết là sự tôn trọng! Thầy cho mượn cuốn sách mà tôi còn nhớ mãi.Nó dường như một cuốn sách đi cùng cuộc đời.
   Nói vậy là thỉnh thoảng trong những giấc mơ hiện giờ tôi vẫn còn trông thấy cuốn sách ấy. Thần khúc! Một học sinh tiểu học có thể cảm nhận những gì trong Thần khúc…
   Tôi nhắc ngay rằng không có sự khoa trương hay kể lại một giai thọai nào. Cái mà tôi nhận được là sự tôn trọng của một người thầy đối với một học trò. Còn về cuốn Thần khúc  là ấn tượng về một kích thước thần thánh. Tựa như tôi trông thấy một trái núi rực rỡ. Ta không biết nó đã  tạo thành như thế nào, những gì có trong đó…Tuy nhiên hiện diện của nó chỉ ra rằng có một trái núi  hùng





vĩ và rực sáng đến vậy. Có thể rằng trong cường độ của nó đã xuyên thấu qua tôi một cách vô thức? Dầu chỉ là vài tia nhỏ…
   Thầy cho tôi mượn đọc vài trang tiểu luận của thầy về thơ viết bằng tay…Ngòai  sự tôn trọng giờ còn là sự bình đẳng. Thầy cần tôi đọc vừa như sự chia xẻ. Có một thi sĩ lúc đó trong dáng vẻ của thầy.Nó tựa như một người tình đứng trước người tình: Vừa ý không ?
  Thi ca, quả thực trên một phương diện thì non tơ, ngượng ngùng và ngần ngại. Nếu có những lão trượng làm thơ thì khi đọc cũng  với giọng thầm thì. Hiển nhiên là sau đó lão trưởng có thể ra một húân thị từng trãi và kiên định…
   Qua những thay đổi, tôi không còn gặp lại thầy. Tập thơ xuất bản tôi cũng chưa tặng được. Hy vọng thầy biết rằng  tập tiểu luận xa xưa ấy thầy đã không lãng phí…Có vài hạt giống đã gieo xuống như vậy.
   Người thầy thứ hai, H,  cũng vào những năm tiểu học…Hình ảnh tôi nhớ lại là con đừơng vài cây số từ nhà đến trường. Đôi khi thầy đi bộ cùng đám học trò nhếch nhác…Bụi bốc lên mùa hè  và những  vũng nước lầy lội mùa đông. Qua những xóm làng, cánh đồng, những con mương…Hình ảnh này tuyệt tích trong năm tháng hiện đại…
   Những gì khi học lại không ấn tượng bằng sau thời gian sau đó. Một vài năm gần đây, thầy vẫn ghé lại thăm tôi với những động viên…Những lần ghé thường là khuya khoắc, khi thầy sau một tâm trạng nào đó…Tôi, hãy là một hàn sĩ và ẩn sĩ đêm đêm chong đèn đọc sách.







Cái vườn rộng và triền miên tiếng dế…Tâm  trạng, khuynh hướng của tôi dường như xa lạ với mọi người…Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng! Bao giờ cùng là những sự soi sáng…Thầy tâm sự với tôi những bức xúc trước  xã hội trong cách thế  một người bạn. Thầy nói về tôi sẽ vượt qua tất cả! Tất nhiên là một động viên. Thầy nói lý do gì tôi phải chong đèn…Và an ủi hơn là thầy với  ý muốn tổ chức những cái tiệc nhỏ, rượu, trà…Chỉ để giảm cho tôi sự trống vắng, đơn độc…
     Cái vườn nhỏ. Tiếng dế…Thầy và trò nói chuyện trong  đêm. Một tiếng ho cũng là vang động trong cái vắng lặng của một làng quê về khuya…
     Thầy nói đến chán nản khi nhận ra cuộc đời có những tâm trí như bãi đất trầm tích. Không thể gì xuyên thấu những  lớp đất đó…
   Tôi tặng thầy tập thơ. Thầy xúc động và thay đổi cách xưng hô trong một trạng thái  xúc cảm…Tôi nhận ra có một ít niềm vui nào đó mà tôi đã mang lại… Thỉnh thỏang tôi có những phát hiện mà trở thành ám ảnh.Năm kia, tại  bữa tiệc của nhà một người bạn tôi gặp lại thầy…Cuộc sống của  thầy và gia đình là ổn thỏa. Vì những lý do nào đó…Thầy ngồi giữa bàn tiệc và rơi lệ…

 Ở đâu đó nước chảy, dọc hàng rào mùa thu,
dọc những thân cây nhòa mờ
tiếng hát trong hòang hôn vừa buông, chỉ khóc và  hát,
và xếp những chiếc lá thu
 Có gì đó cao hơn chúng ta. Cái gì đó cao hơn    chúng  ta đang trôi qua và tắc lịm,
chỉ khóc và hát, chỉ khóc và hát, chỉ cần sống.
                                                              Joseph Brodsky

Joseph Brodsky: Nhà thơ Mỹ gốc Nga
Giải Nobel Văn học 1987


    Một ngừơi thầy khác, L, là thầy giáo dạy văn khi tôi là học sinh trung học cơ sở…Có một bài văn của tôi làm thầy vừa ý. Và  thật đáng ngại, khi thầy thỉnh thỏang nhắc lại những câu văn trong đó. Tất nhiên là việc thầy truyền thụ niềm yêu thích văn học…
    Tôi nhận ra, cái nhìn sâu sắc và trách nhiệm của thầy là việc giữ gìn những nguyên khí trong đời sống…Nguyên khí thì có ở mọi nơi và thường là có những hàng rào bảo vệ. Tôi, trong vài hòan cảnh đặc biệt, chẳng hạn việc làm thơ, sự đơn độc trong hòan cảnh sống đã không còn mấy hàng rào bảo vệ. Nó như một thứ sưong mai, nắng lên là tan biến! …Nó chẳng thể nhập vào một cái gì đó bền vững để tồn tại nên kiên trì chờ một ngày mới. Ngày mới đến và mặt trời lại làm cái công việc cũ…
    Những giọt sương mai lại tan biến, hy vọng…
   Sau 20 năm thầy và trò gặp lại. Thầy vui mừng, cảm động và kể cả tạo hứng!...Thầy  không còn ở tại quê hương và chuyển đi một chỗ khác trong miền Nam.Có một giai đọan khó khăn mà thầy đã từng trãi. Từ là một trí thức, thầy đã trở thành người làm vườn trong một thời gian dài.Niềm vui làm vườn là cái về sau khi hoa trái đã kết quả. Câu nói  tôi phát hiện là thầy kể việc cuốc đất trên một mảnh vườn vài ha. Mỗi nhát cuốc là một tiếng Niệm Phật! Một kỳ  tích và là một hành giả …
      Như vậy là, cái vườn xanh nào đó tòan bộ tiếng niệm Phật  đã kết lại, vang động và thống thiết! Bao nhiêu mưa, nắng, mồ hôi….kết tập lại, vang động và thống thiết!
  Và rồi Đức Phật đã hiện! Đức Phật phải xuất hiện!





…Thầy, sau những từng trãi lại chia xẻ tôi niềm yêu thích văn học. Trong cái quán  cà phê sang trọng, thầy và một đòan tùy tùng là con trai, con dâu, những học trò, nói chuyện trong cái không khí của một ngày hội!   Sau những từng trãi, hiển nhiên là không dễ chịu chút nào, thầy trẻ lại…
   Sunday beautiphul! Sundaywonderphul!..
   Thầy liên tục nói thế khi chia tay học trò….
 
  Giờ thì tôi hãy qua thầy C…
  Tôi không học trực tiếp thầy vào những năm trung học. Tuy nhiên, thời gian tại nhà tôi đã tìm ở đó một đối thọai…Thầy quê ở Huế và lập gia đình tại chỗ tôi cư ngụ. Thế là thầy trò biết nhau…Thầy, một người từng trãi,  ưu thời mẫn thế  và  quan tâm đến nhiều lĩnh vực.Trong khi những xu hướng của tôi lại không có mấy người chia xẻ  trong một cái thị trấn thưa thớt. Tôi qua thầy thường là những buổi chiều dường như yên lặng. Tôi có hứng thú dạo chơi vào những lúc như thế sau khi sân nhà đã được dọn dẹp. Những cái hoa sứ màu vàng nhạt rơi rải rác trên sân  đã được nhặt để vào dưới chân của nó. Cây trong vườn đã được tưới nước. Này là cây trúc tương phi xanh lốm đốm màu vàng.Này là cây mai nhỏ. Này là cây quỳnh ẩn vào bóng của những cây mai.Kia là những cây cau …Ta có thể dạo chơi đâu đó…Qua dòng sông. Qua cái đồi nhỏ có tên là Núi Chợ . Những hàng cây bạch đàn cao vút mà  yểu điệu….Tôi sẽ nói với thầy những gì đây nhỉ ? 
  








     Trong căn nhà yên bình, nằm trong  con lộ nhỏ những câu chuyện về thi ca, văn chương, Phật giáo…Mọi thứ trên đời. Tùy  hứng và tiếp diễn…Thầy về Huế có gì mới? Thầy đang đọc sách gì? Tuệ đang viết gì? Đang làm gì? Dự định đi đâu thì sau ngày X hãy đi…Tôi nhận ra một trong những nguyên nhân thầy tiếp tôi qua nhận xét “ Thầy nghĩ em cần chia xẻ !”
    Thầy cho tôi mượn những gì mà thầy có: sách vở từ các kinh điển cho đến các tạp chí cập nhật. Tôi biết là thầy tạo cho tôi những điều kiện tinh thần…Những buổi tối, tôi và thầy chui vào một cái quán cà phê nào đó rồi chuyện trò liên miên bất tuyệt! Quán vắng dần. Một đêm mùa thu hơi se lạnh hay một đêm xuân đã  thấp thóang rạo rực.Trên con đường về  vắng ngắt  tôi nói  cái tâm trạng an nhiên trong đời sống. Thầy nói với tôi điều đó làm sao có được! Một tiếng nói thông cảm từ rất nhiều chiêm  nghiệm. Thầy đã nghĩ về tôi không phải là một thóang chốc?
      Đôi khi tôi vẫn huyên thuyên mà không lường trước.Nguyên nhân cũng thể là cuộc đời, con người có những khỏang nhạy cảm thường trực. Tôi nói ý tưởng của K trong tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống: Ngài là ai mà dạy bảo người khác ? …Thời gian qua, có
một dịp thầy nhắc lại câu nói đó  với sự ngần ngại : nó vang động như một tiếng sấm..!
   Thi thỏang thầy lại qua nhà tôi, tâm sự một bức xúc trong môi trường giáo dục. Thầy nói về sự rối ren trong tâm trí khi cần nhìn nhận một cách nhất quán …Mà thực ra, tôi nghĩ thầy đã biết và đang hướng về cái gì. Nhận ra







sự hỗn độn nào đó đã không còn là hỗn độn…Một tiến trình quán chiếu đã bắt đầu và với nhiều cuờng độ, thời gian…Tôi tin vào giải pháp của thầy. Một cái cười từ dí dỏm đến trào lộng!
   Con đường vắng, quán cà phê vắng  khách dần…Những ánh đèn vàng  mờ nhạt…Thầy và trò lại đi bên nhau trên một đọan đường…. Những gì tôi viết, thầy là một độc giả thường là sớm nhất. Thầy cảm ơn tập tùy bút tôi đưa thầy đọc.Cảm ơn vì một ý tưởng tôi đã nói trong đó. Tiếng cảm ơn này như một phần thưởng bất ngờ cho tôi. Những lá phiếu của Huy gô tăng dần lên… Những khi tôi bộc lộ tâm trạng chán nản thầy lại khuyến khích bằng việc nhắc lại những tác giả viết sách và chôn trong hầm kín…Những gì hiện tại chưa đọc thì sau này hãy đọc….
   Có câu chuyện mà tôi muốn nói….Tôi và thầy nói chuyện về tổ chức Hội nghị Phật giáo.Thầy nói các nghệ nhân làm tượng, trang trí trong một tâm thái của hình thức…Tức rằng nghệ nhân đúc một pho tượng nhưng không biết đó là Văn Thù hay Phổ Hiền!Tức là chưa đạt đến phương diện tâm linh. Sự việc đang dừng ở hình thức. Tôi, nói đến việc khi những người thợ đổ mồ hôi, nhọc nhằn…trong bất kỳ nhận thức nào cũng vẫn là một cái tâm…
  Những khỏanh khắc này nhanh chóng vì thầy nhạy cảm.Thầy đồng ý ngay….
   May mắn và cũng nhiều phiền phức là tôi thường có những trắc ẩn như vậy. Nó có lẽ đạt đến sự khoan dung khi đi đến tận cùng nhưng cũng  làm ta do dự, thiếu quyết đóan. Thầy khuyến khích tôi sự phát triển tòan bộ






bản thân. Tôi nói ra tình thế mông muội của mình. Sự vươn đến một cái gì thì chưa thể. Sự lùi lại có lẽ là …Sự phân biệt của tôi là một phân biệt đối lập. Thầy  có một thóang buồn. Giờ này tôi nhận ra không có sự tế nhị nào cho vừa với cuộc sống. Nói như vậy, là cần phải tế nhị hơn nữa và khoan dung hơn nữa…
    Trong ý tưởng của thầy không phải sự so sánh đối lập như tôi hình dung mà một sự bổ túc. Cái buồn  không phải bản thân thầy nằm trong tư thế đối lập. Đó  là cái buồn của một đại diện cho cuộc đời. Tôi đang bị hiểu nhầm! Cuộc đời nói vậy!
   Trong rất nhiều  chỉ trích, hòai nghi, niềm tin của ai đó dành cho mình là một ngọn nến. Nó rủ đi  những nhạt nhòa. Nó vực ta đứng dậy hay vững bước…Tôi đã nhận những niềm tin như vậy…Và giờ thì những câu chuyện bất tận của thầy trò lại bắt đầu. Nó không phải chấm dứt tại đây. Khi tôi chuyển qua trang khác, thầy lại nói với ai đó…”Tuệ đang viết gì đó ? “Nếu có đi đâu đó thì hãy qua ngày X….

   Sông Đà trôi chóng mặt buổi đầu tiên
   Con mới biết cuộc đời không phải dễ
   Bữa cơm đầu xa mẹ…
  
   Câu thơ của tác giả mà tôi quên tên đến giờ vẫn còn đọng lại. Từ bữa cơm đầu này, thi sĩ phải nhớ  lại những bữa cơm đã qua trong khi có mẹ…Với tôi thì những bữa cơm này vĩnh viễn không còn nữa. ..Cũng chuyện cơm, vài năm trước khi còn là sinh viên. Tôi có tham gia một ngày phục vụ từ thiện cho Tịnh Tâm trai.Một tiệm cơm






chay. Đó là ngày phục vụ từ thiện cho khách. Tiếp viên cài hoa  và  nhận diện như sau. Hoa hồng nhung dành cho  tiếp viên hãy còn  cha mẹ. Hoa hồng nhạt dành cho những người đã mất một song thân. Hoa hồng bạch dành cho những người đã mất cả. Ni cô hỏi tôi cài lọai hoa nào. Hoa hồng bạch. …
  
   Mẹ tôi, một người thợ làm bánh thủ công. Một ngày của mẹ  bắt đầu từ 3, 4 giờ sáng  để làm những cái bánh hột xòai. Sau đó thì đi chợ. Khỏang 9, 10 giờ thì về nhà lại tiếp tục với những cái bánh. Bánh in, bánh trần, bánh con bướm…Để làm ra những cái bánh như vậy cần một số thao tác chuẩn bị tỷ mỉ và nhẫn nại….Khỏang chừng 500 cái bánh được làm trong ngày vào những lúc đắt khách.Thường lệ thì ít hơn…Một ngày của mẹ kết thúc vào khỏang 9 giò. Lúc ấy là việc đóng những cái bánh in…Vào đêm, những gì âm thanh, tiếng nói giảm đi dần. Chỉ còn dáng mẹ ngồi  chấp nhận, nhẫn  nại nhào bột, đóng bánh.Những sợi tóc muối tiêu chuyển dần qua bạc…Dáng ngồi này chạm vào trong tâm  trí của tôi. Một cái gì đó của  chấp nhận….
   Rồi thì, 3, 4 giờ dậy…
  Tôi sẽ hướng  các bạn vài  màu sắc bởi vì tôi đang sợ mình chìm xuống theo những cảm xúc. Trước nhất là màu trắng của nếp  rang. Những sàng   nổ trắng dùng để đóng một lọai bánh tên là bánh nổ…Tôi làm công việc giúp mẹ là nhặt những vỏ trấu còn bám dính trên thân nếp…Màu trắng khác là của bột nếp. Một cái cối xay đá 






nhỏ đặt ở góc nhà.  Khi thì mẹ, khi thì chị, khi thì tôi…ngồi ở đó. Những hạt nếp rang bỏ vào chậm rãi và đều đặn. Từ ấy, trong thân cối tiết ra những hạt bột trắng mịn rãi đều quanh vòng thân cối…Xay đã xong, và tôi có thể đi đâu đó…Này là cuốn sách chưa đọc xong, cuốn Cuộc đời và sự nghiệp hay  là cuốn  Quê Nội. Kia là ngôi nhà của người bạn. Mi đã làm xong bài tóan đó chưa?...
   Những màu sắc khác phong phú hơn là những cái bánh con bướm. Thêm chừng vài ba màu vàng, xanh, đỏ từ những lọ mực nhỏ. Tôi, trong ngày cắt  chừng 10 cái giấy để  làm phong bì cho bánh. Thao tác  này dần nhuần nhuyển đến múc tôi không cần phải dùng đến hình mẫu. Những con bướm nhỏ theo hình khí có thể đã  nhập vào trong tôi…
   Thi thỏang đi trên đường, có những con bứơm bám vào tôi mà không ngần ngại…Đẹp nhất là con bướm mà tôi đã kể trong Nguyên bạch. Khi viết ra những dòng này một màu đó, trắng và đen đang hiển thị trước mắt. Đó là màu sắc của con bướm mà tôi đã từng kể Một kỷ niệm khác đẹp chóang váng là khi tôi lên Núi Vạn. Dọc theo con suối nhỏ, đột ngột một bầy bướm hạ xuống trước mặt. Tòan thể là một màu vàng nhạt…Một sự hòa sắc dịu dàng mà thanh thóat …Lại nữa, năm kia trên đường NTMK, tôi đang đi trên đường. Một cô gái mặc  chiếc váy màu vàng nhạt. Gió chiều và ta có cảm giác rằng đó chỉ là mảnh vải từ trong không bay đến tấp nhẹ trên thân thể cô gái…Một cái đẹp  trở thành ám ảnh!...
   Rồi thì đối diện!...
   Kỷ niệm sau cùng của tôi về mẹ là một ngày cuối năm. Tôi chở  mẹ qua thị trấn đề lấy một cái áo mẹ vừa may…Tôi nhận ra sự ngần ngại của mẹ trong việc ăn






mặc…Một sự tiết kiệm. Tuy nhiên khi trong nhà có những người làm công mẹ tôi lại chăm sóc rất chu đáo. Việc ăn uống. Giờ làm việc…Những xong cơm cho người làm bao giờ cũng thừa ra…
   Những ngày cuối tháng Chạp, mẹ lại làm bánh để dùng cho ngày  tết. Cái bánh sau cùng là một lọai bánh dẻo. Nó được nhào trộn từ bột nếp, mật, các lọai gia vị như đổ phộng, mè …
   Rồi thì:
   Mẹ tôi vừa nói dứt câu
   Trái cau thẳng rụng, lá trầu tước ngang…
 
   Điều tôi muốn diễn bày thêm một vài phương diện khác… Hiện giờ mẹ  vẫn còn ở đâu đó.Thường là xuất hiện trong  giấc mơ khi tôi ở  một trường hợp nào đó.
Tôi trông thấy một người mẹ dắt  đứa trẻ qua những vùng khô cháy, những màu  đen nám, những  vùng đất bị nung nóng. Đứa trẻ, là tôi vận một đôi dép. Đôi dép quá chật.  Sau một lúc  tôi đã lặng lẽ bỏ nó ra để đi chân trần. Một cái đau khác là  bàn chân bị rướm máu…Tuy nhiên, đứa trẻ im lìm chịu đựng..Một lúc sau, mẹ tôi phát hiện. Thay  vì la trách là một sự thông cảm…
   Sự thiêng liêng trong tình mẩu tử là  thực. Một trong những giấc mơ thường hay lặp lại là tôi, trong hình thái một đứa bé vùng hỏi và khóc: Mẹ con đâu? Khi ấy là tiếng nói ai đó xoa dịu …   Giấc mơ khác…Thi thỏang tôi có những ngày bỏ ăn vì nhiều lý do: thường là trong một đọan không có việc làm. Tiền hết. Thay vì xoay xở








vượt qua hòan cảnh là tôi ngần ngại. Giải pháp là tôi lao vào một công việc nào đó…Thế là, buổi tối tôi thấy mẹ tráng bánh. Giấc mơ thực đến mức tôi nhận ra lớp hồ trên cái khuôn bánh. Tôi cạnh đó.  Mẹ thì vội vã tráng.  Những cái bánh vừa   tráng xong tôi ăn ngốn ngấu!
   Một quẻ nào đó trong Kinh Dịch có tượng Minh hạc tại âm.Chim hạc con kêu trong bóng tối. Mẹ nó nhận ra…
   Những gì cần nói?...và tiếp diễn!...
   Tôi biết nàng học Hoa ngữ và hỏi nàng có biết Đường thi không? Nàng nói những cảm thụ về Lý Bạch. Phóng khóang, siêu thóat  và những gì rượu vào thơ ra. Một cái cười duyên dáng nở ra trên môi nàng khi ấy! Thơ Đỗ Phủ thì hay mà buồn  quá. Bài nào cũng hay.  Bài nào  cũng buồn. Một cái buồn da diết…
  Một cái buồn da diết của  nỗi niềm cố hương, cố quận…Tâm trí tôi như một cái giếng sâu mà ít người tiếp chạm đến. Vài câu nói vu vơ của nàng làm mặt nước trong đó rung lên. Nó chạm tới đáy. Và cũng là một trong nhiều nguyên do để tôi viết những dòng này. Việc khơi tháo một dòng chảy từ lâu ẩn nhẫn và ngưng đọng…
   Mây tháng năm khi xám khi trắng bềnh  bồng trôi như sữa trên bầu trời.Mây bay ngàn phương và có một phương về trời cố quận. Kia là  những   ngọn núi, dòng sông và cái hồ…Hàng rào và những cái hoa giẻ  thơm hương trong đêm. Tháng năm thường là  những cái hoa quỳnh  đã nở. Một màu trắng muốt từ thân cây run rẩy hiện ra và rồi hương  thơm nhẹ… Mật hoa khi uống vào là  sứ  giả của tình yêu hiện. Tiểu muội này! Đã bao giờ xem hoa quỳnh nở chưa?
   
  

 
 
  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét